Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường hoạt động giám sát đồng hành cùng thành phố triển khai các nhiệm vụ

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, TAND, VKSND TP Hà Nội và một số cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí lãnh đạo TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí lãnh đạo TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc.

GRDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,12%

Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 9 tháng năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của TP. Với các biện pháp quyết liệt, phù hợp thực tiễn, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, GRDP duy trì tăng trưởng; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 6,12% (cùng kỳ 5,99%). So với cả nước, mức tăng trưởng của Hà Nội vẫn duy trì ổn định. Thu ngân sách đạt trên 376.000 tỷ đồng (92,1% dự toán, tăng 22,2%), trong đó thu nội địa đạt 93,5%. Chi ngân sách đạt 68.439 tỷ đồng (46,7% dự toán, tăng 17,1%).

Vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 9,7%; vốn huy động tín dụng đạt 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,71%. Thành lập mới 21.840 DN với tổng vốn đăng ký gần 200.000 tỷ đồng, nâng tổng số DN đăng ký lên 397.000. Thu hút FDI đạt hơn 1,5 tỷ USD với 197 dự án mới.

Các ngành kinh tế phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 10,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% (cùng kỳ 2,6%). Hà Nội đón 4,56 triệu lượt khách (tăng 31,3%), trong đó khách quốc tế 3,2 triệu lượt (tăng 41,5%) và khách nội địa 1,4 triệu lượt (tăng 12,9%), với tổng thu đạt 82.000 tỷ đồng (tăng 18,5%). CPI tăng 4,88%, trong đó nhóm giáo dục tăng 24,6%; nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 6,2%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,8%.

An sinh xã hội được bảo đảm toàn diện, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Toàn TP Hà Nội tạo được 178,7 nghìn việc làm mới, đạt 108,3% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 2.050.245 người, tăng 5,43% so với cùng kỳ 2023. Có 203.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1.930 tỷ đồng được chi cho người có công.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu kết luận cuộc làm việc.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Thành phố triển khai toàn diện cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung phát triển dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến phục vụ đời sống người dân và hoạt động kinh doanh. Hà Nội đã ký ban hành 23 quyết định công bố danh mục và quy trình 172 thủ tục hành chính mới, sửa đổi 142 thủ tục hành chính và bãi bỏ 117 thủ tục hành chính…

Rà soát, xác định nhiệm vụ triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi)

Báo cáo về tình hình triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, UBND TP đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhiệm vụ triển khai Luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan T.Ư và TP Hà Nội.

UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành. Theo đó, Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và hoàn thiện các văn bản theo kế hoạch đề ra.

Thành phố đã trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành T.Ư được giao nhiệm vụ xây dựng 6 nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết các nội dung trong Luật Thủ đô. Hội nghị triển khai Luật Thủ đô đã được tổ chức ngày 11/10/2024, khái quát nội dung cơ bản của Luật tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 5/5/2024, giao các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ liên quan. UBND TP cũng đang rà soát và ban hành quyết định thay thế Quyết định số 1088/QĐ-UBND về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.

Về thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, UBND TP đã ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các quy định về nhà ở xã hội, khung giá thuê nhà ở xã hội, và quản lý nhà chung cư. Thành phố dự kiến ban hành thêm các quy định về phát triển nhà ở xã hội, cơ chế phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại cuộc làm việc.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại cuộc làm việc.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, cập nhật các quy định từ Luật số 43/2024/QH15 về Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các tổ chức tín dụng để bảo đảm việc triển khai đồng bộ trên địa bàn TP…

Sớm triển khai Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống

Hội nghị cũng nghe báo cáo về công tác kiểm sát, tòa án; kết quả hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Qua báo cáo cho thấy, trong 9 tháng qua, Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp TP đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương nắm bắt, giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ, việc phát sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động của Tòa án Nhân dân TP, trong 9 tháng năm 2024, Tòa án Nhân dân hai cấp TP Hà Nội được giao nhiệm vụ giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn, có tính chất nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng trên toàn quốc, được dư luận đặc biệt quan tâm và đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển của Thủ đô cùng cả nước.

Trao đổi tại cuộc làm việc, các đại biểu Quốc hội đánh giá, 9 tháng năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP đạt kết quả khả quan; kinh tế tiếp tục tăng trưởng và cân đối ngân sách được bảo đảm. Thành phố cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống bão số 3 và bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân sau bão. Thực hiện tốt và bảo đảm tuyệt đối an toàn diễn tập khu vực phòng thủ TP. Đặc biệt, tổ chức tốt các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô bảo đảm trang trọng, thiết thực…

Thông qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đề nghị TP quan tâm sớm đưa Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống để tạo điều kiện cho TP phát triển. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đời sống dân sinh như: đẩy nhanh GPMB các dự án trọng điểm của TP; nhiều dự án lớn bị chậm triển khai; thiếu trường lớp; vấn đề ô nhiễm môi trường do đốt rác thải; tăng cường công tác phòng cháy, chứa cháy. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thành thực hiện mở rộng các đường giao thông kết nối; tập trung củng cố, gia cố các công trình thuỷ lợi, tuyến đê bị ảnh hưởng sau đợt bão lụt vừa qua; sớm hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo ổn định đời sống của người dân…

Các đại biểu phát biểu tại cuộc làm việc.
Các đại biểu phát biểu tại cuộc làm việc.

Tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện các nhiệm vụ

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, qua thảo luận, hội nghị đều đánh giá cao về những kết quả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng thời thống nhất nhận định, trong những tháng đầu năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Song, dưới sự chỉ đạo của T.Ư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội của cả nước tiếp tục phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, kịp thời ứng phó trước bão lũ, thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 Yagi vừa qua. Đối với Thủ đô Hà Nội, Thành ủy và các cấp ủy Đảng bám sát chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ, Quốc hội, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Bí thư Thành ủy, từ đầu năm đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, đặc biệt đã triển khai và tổ chức thành công 3 đợt giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua các đợt giám sát, khảo sát trên, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổng hợp báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ ngành T.Ư. Trong đó đã đánh giá kết quả thực hiện, những hạn chế, yếu kém; kiến nghị, đề nghị UBND TP, các cơ quan tư pháp và một số sở, ngành liên quan sớm triển khai khắc phục những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền của TP.

Ngoài ra, hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban MTTQ TP tổ chức hiệu quả, đúng luật, đổi mới, đối tượng cử tri phong phú. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tổng hợp các kiến nghị cử tri gửi T.Ư, TP để xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao tham gia các hoạt động chính trị của TP.

Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc các hoạt động của TP, các chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo của TP qua các buổi làm việc, công tác giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và nghiên cứu các báo cáo của TP để có thêm thông tin thực tiễn của địa phương trong hoạt động nghị trường của Quốc hội. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát đồng hành cùng TP triển khai các nhiệm vụ sắp tới.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, TAND, VKSND và các sở, ngành TP tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội để triển khai quyết liệt hơn những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Quy chế các cơ quan; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành TP tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong các ý kiến, kiến nghị của các Đoàn giám sát để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP đạt hiệu quả cao nhất…