KTĐT - Theo ông Hải, năm 2011 này, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng số 93 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ 120 tỷ đồng cho 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia, ký kết trên 3.000 hợp đồng.
Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm 2011, cục sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại thế giới, tạo lập hệ thống thông tin hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhằm tiếp tục triển khai theo chiều sâu các hoạt động trong chương trình thương hiệu quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Hải, năm 2011 này, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng số 93 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ 120 tỷ đồng cho 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia, ký kết trên 3.000 hợp đồng.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kết nối với các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, một phần kinh phí không nhỏ cho các chương trình xúc tiến thương mại, được phân bổ cho các địa phương miền núi, biên giới và hải đảo để làm tốt công tác đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."
Cũng theo ông Hải, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, càphê, hạt tiêu, điều... luôn đứng vị trí nhất, nhì trên thế giới, nhưng tại nhiều thời điểm, giá trị lợi nhuận xuất khẩu không cao do bị thua thiệt về giá.
Để hàng Việt Nam khẳng định vị thế ở thị trường nước ngoài, ông Hải nhấn mạnh rất cần có sự hỗ trợ đắc lực của các bộ, ngành trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nghiên cứu về mẫu mã, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở các thị trường trọng điểm có kim ngạch lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia...
Trọng tâm vẫn là hướng vào nâng cao hiệu quả cạnh tranh từ các thế mạnh của doanh nghiệp, xúc tiến thương mại truyền thống, tăng cường xây dựng hình ảnh quốc gia và các sản phẩm doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong nước với các Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Đáng chú ý là việc xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng là một trong những chiến lược quan trọng của các ngành, các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã dành một khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức các đợt đón các nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm bạn hàng, tìm hiểu thị trường, giao dịch mua hàng; tổ chức hội nghị ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam... góp phần giúp doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa./.