Trong năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Ông Phạm Hồng Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cho biết, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh không nhiều, phân tán tại 33 xã, phường của TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Các khu rừng đặc dụng, phòng hộ đều gắn liền với khu di tích lịch sử và có rất nhiều hộ dân sinh sống. Đây là các nhân tố thường xuyên tác động đến rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó còn xảy ra hiện tượng khai thác, phá rừng và cháy rừng. Hoạt động trồng lại rừng sau khai thác của các hộ dân chưa kịp thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lợi dụng san ủi, khai thác đất đồi trái phép nhất là đối với diện tích rừng sản xuất do UBND cấp xã quản lý. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương thông tin thêm, các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh, chế biến lâm sản, chăn nuôi động vật hoang dã nằm rải rác trên địa bàn tỉnh , do đó việc theo dõi và quản lý vô cùng khó khăn…
Tuy nhiên, với sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm vượt qua khó khăn, thử thách của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, Chi cục Kiểm lâm đã tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền cơ sở, chủ rừng và nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Chi cục đã tập trung, thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với đoàn công tác của Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm vùng I làm việc, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn cùng một số cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị cũng phối hợp tiếp nhận 7 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm giao nộp cho Nhà nước. Tính đến tháng 12/2021, Chi cục Kiểm lâm đã thụ lý, xử lý 7 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách hơn 39 triệu đồng. Lâm sản bị tịch thu là 0,58 m3 gỗ tạp. Hiện trên địa bàn có 85 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; 98 hộ nuôi nhốt, sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã (3 hộ nuôi nhốt gấu; 83 hộ nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hang dã nhóm IIB; 13 hộ nuôi sinh trưởng động vật hoang dã nhóm thông thường. Trong năm 2021, Chi cục đã cấp mã số cho 26 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; chủ yếu là các loại rắn hổ mang, rắn ráo trâu, cầy vòi hương.
Phát biểu tại hội nghị ông Bùi Văn Thăng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã đánh giá và ghi nhận những thành tích của Chi cục Kiểm lâm trong năm qua. Ông Bùi Văn Thăng lưu ý cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền cho người dân để thay đổi nhận thức về cách bảo vệ rừng; lực lượng kiểm lâm cần tăng cường tuần tra kiểm soát hơn nữa trong bảo vệ rừng; xây dựng tốt các quy ước, tăng cường kiểm soát các mỏ khai thác…
Bước sang năm 2022 Chi cục Kiểm lâm Hải Dương tiếp tục đề ra những mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ để tiếp tục gặt hái những thành công. Phấn đấu thực hiện tốt đầy đủ mọi chế độ, chính sách đối với người lao động, tiết kiệm chi phí chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị. Phấn đấu nộp ngân sách Nhà nước 500 triệu đồng trở lên.