Tăng cường xử lý vi phạm qua “hộp đen” giám sát hành trình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô của Trung tâm Xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã có những tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải và đảm bảo ATGT.

Tại Hội nghị đánh giá hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô diễn ra sáng 4/9 tại Hà Nội, Trung tâm Xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã đưa ra bảng thống kê, phân tích tổng hợp dữ liệu của 72.000 xe ô tô có gắn “hộp đen” trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2014.

 
Việc lắp đặt "hộp đen" giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp trong việc quản lý phương tiện, người lái, hành trình và các chỉ số an toàn, quyền lợi cho hành khách đi xe. Ảnh minh họa
Việc lắp đặt "hộp đen" giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp trong việc quản lý phương tiện, người lái, hành trình và các chỉ số an toàn, quyền lợi cho hành khách đi xe. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lần vi phạm tốc độ từ 10km/h trở lên của các phương tiện có chiều hướng giảm rõ rệt (từ 33% trong tháng 4 xuống còn 26% trong tháng 7), còn lại trên 70% là vi phạm tốc độ dưới 10km/h.

Trong tháng 7, một số địa phương có tỉ lệ số phương tiện vi phạm tốc độ từ 10km/h trở lên ở mức cao (trên 40%) là: An Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Đắk Lắk.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ xe vi phạm tốc độ từ tháng 4 đến tháng 7/2014 liên tục tăng, từ 30% của tháng 4 lên 70% của tháng 7, nguyên nhân do số lượng phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục tăng lên.

Về tỷ lệ số lần phương tiện vi phạm/1.000km cũng giảm đáng kể, từ 9,4 lần/1.000km trong tháng 4 giảm xuống còn 6,2 lần/1.000km trong tháng 7. Một số địa phương có tỷ lệ phương tiện vi phạm ở mức cao (từ 20 lần vi phạm/1.000km trở lên) là: Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên.

Đặc biệt, vi phạm thời gian lái xe liên tục cũng như vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày liên tục tăng, đặc biệt trong tháng 6 và tháng 7 ở một số địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định.

Việc xử lý những vi phạm này bước đầu đã có tác động tích cực đến công tác quản lý lái xe, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian qua. Một số Sở GTVT đã rất quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm quá tốc độ bằng hình thức thu hồi phù hiệu chạy xe, thu hồi chấp thuận tuyến, điển hình như: An Giang, Bình Thuận, TP.HCM, Hải Phòng, Cao Bằng, Thừa Thiên-Huế.

Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cho rằng số liệu đưa ra hiện nay còn có sự chênh lệch về số lần và tốc độ vi phạm giữa kết quả xử lý của Trung tâm với kết quả xử lý dữ liệu của các đơn vị cung cấp dịch vụ “hộp đen” giám sát hành trình, gây khó khăn khi xử lý vi phạm. Nguyên nhân của việc này được cho là do tần suất truyền dữ liệu và phương pháp thống kê chưa thống nhất.

Tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ. Qua theo dõi cũng cho thấy, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều thiết bị làm nhiễu, phá sóng GPS với giá rẻ đã gây khó khăn trong việc theo dõi vị trí và xác định vi phạm của lái xe.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng dứt khoát phải đưa công nghệ vào để tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động vận tải, từ việc lắp “hộp đen” đến việc truyền dữ liệu về Trung tâm, đồng thời, cần tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm tốc độ ở mức cao, số lần vi phạm nhiều, thường xuyên, liên tục và các trường hợp vi phạm về thời gian làm việc của lái xe cũng như việc các đơn vị vận tải cố tình không truyền dữ liệu về Trung tâm.