Tăng "độ phủ" hàng Việt tại thị trường EU

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có kết quả tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, mức thâm nhập của hàng Việt vào thị trường này vẫn hạn chế và còn nhiều dư địa chưa khai thác hết.

Kết quả khả quan

Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở các lĩnh vực sản xuất như máy móc - thiết bị tăng 43%, giày dép 54%, dệt may 44%. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao như cà phê 43,4%, thủy sản 31,6%, rau quả 23,5%, gạo 12,2%…

Sản xuất đồ điện gia dụng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất đồ điện gia dụng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021). Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ vào EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà đang dần được đẩy mạnh sang thị trường ngách như Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Thảo Hiền cho biết, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với quy mô khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR (năm 2021). Tuy nhiên, thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% (theo Cơ quan thống kê châu Âu). Ngoài ra, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, nên dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác tiêu thụ sản phẩm Việt.

Thách thức vẫn còn

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thế mạnh như thủy sản, rau quả, dệt may lại có thị phần thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Trong đó, rau quả chiếm hơn 3%, thủy sản hơn 4%, may mặc 4%... Hiện, một số doanh nghiệp đã tham gia chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu sang EU, nhưng phần nhiều vẫn chỉ gia công hàng hóa xuất khẩu.

Sản xuất hạt điều xuất khẩu của Hapro tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hạt điều xuất khẩu của Hapro tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại về những tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ thị trường các nước EU nên thường lựa chọn giải pháp an toàn, tập trung vào thị trường truyền thống nên kim ngạch xuất khẩu chưa tăng như mong muốn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nên số lượng đối tác EU hoặc số khách hàng của EU biết đến Việt Nam còn rất ít.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, theo các chuyên gia và nhà quản lý, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần bỏ tư duy và cách kinh doanh theo lối an toàn, chỉ tập trung vào thị trường truyền thống, mà cần tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tạo chỗ đứng trên thị trường bằng cách bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, đồng thời quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Để gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU, các chuyên gia đề xuất, Bộ Công Thương cần chuyển từ xúc tiến thương mại cho sản phẩm sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm... 

"Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trong hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ quốc tế một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp"- Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Cao Khuê nêu ý kiến.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần