Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng đột biến bệnh nhân vì bia, rượu

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Uống một ly rượu để chúc tụng nhau các dịp lễ, Tết là một truyền thống của người Việt.

Vậy nhưng, từ một nét đẹp văn hóa mà giờ đây bia, rượu đã trở thành “thước đo lòng quân tử” gây nên tình trạng lạm dụng rượu, bia. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu vừa qua.
Ngộ độc nặng vì rượu chứa methanol
368 vụ TNGT, 203 người chết, 417 người bị thương là những con số được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thống kê được trong 7 ngày nghỉ Tết. Điều đáng nói, phần lớn nguyên nhân TNGT được xác định sơ bộ là do người điều kiển lạm dụng bia, rượu, nhất là các vùng nông thôn. Tại các bệnh viện (BV), số ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, bia cũng tăng đột biến trong dịp nghỉ Tết. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng trong 3 ngày Tết từ 30 đến Mùng 2, cả nước đã có gần 400 ca ngộ độc rượu phải cấp cứu tại các cơ sở y tế. Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm  cho biết, riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc tiếp nhập 12 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt  hiện vẫn đang được điều trị). Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do sử dụng rượu cũng tăng lên trong những ngày Tết. Riêng tại TP Hà Nội, trong số 659 người nhập viện vì TNGT thì phần lớn số người nhập viện trong tình trạng say xỉn.

Y, bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn xử lý một ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Ảnh: Quỳnh Linh

Đã từng kề cận “cánh cửa tử thần” trong một vụ TNGT sau khi uống quá chén, anh Dương Văn C. (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rùng mình khi nhớ lại. Đúng đêm Mùng 1 Tết năm ngoái, trên đường đi chúc Tết bạn bè về, cơn say chuếnh choáng đã khiến anh gây tai nạn làm tử vong một người và bản thân cũng bị chấn thương sọ não, gãy cột sống, liệt nửa người. Nằm viện ròng rã một thời gian dài, khi tỉnh dậy, vợ và con đã bỏ đi, bản thân bệnh tật nên thời gian còn lại trên cõi đời anh sống trong day dứt với những cơn hoảng loạn. Hận chính mình đã không làm chủ được bản thân trước những lời mời mọc của anh em bạn bè, giờ đây mỗi lần chỉ ngửi thấy mùi rượu, anh đã cảm thấy khiếp sợ, căm phẫn.
Không ỷ lại vào thuốc giải rượu
Lo ngại trước những hậu quả khi lạm dụng rượu, bia, nhiều đấng mày râu tìm đến thuốc giải rượu để có thể uống thoải mái. Vậy nhưng, theo bác sĩ Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần, BV 103, không nên ỷ lại vào thuốc giải rượu. Bác sĩ Huy lý giải, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc giải rượu, nhưng thường kết hợp 2 trong 1 theo hai cơ chế. Thứ nhất, thuốc làm môn vị dạ dày đóng lại trước khi uống rượu. Khi đó, rượu sẽ nằm trong dạ dày, không đi xuống ruột non và khiến người uống có cảm giác không say. Tuy nhiên, đến một thời gian nhất định, môn vị dạ dày cần mở ra, rượu sẽ ồ ạt chảy xuống  khiến mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Vì thế, lượng rượu trong máu quá cao nên đa số người uống thuốc giải rượu không thể dậy nổi vào ngày hôm sau. Thứ hai, thuốc giải rượu góp phần làm chuyển hóa rượu. Nhưng thực tế, không có bất cứ loại thuốc nào giúp chuyển hóa rượu nhanh hơn như nhiều người vẫn lầm tưởng.q
Những loại thuốc giải rượu được bán ở thị trường, thành phần chính là vitamin nhóm B, vitamin PP, B1, B2, B6. Chúng có thể giúp chuyển hóa nhưng đó là chuyện sau này, không phải tức thì khi uống rượu. Khi uống vào, thuốc nằm ở dạ dày cùng rượu nên rất khó để hấp thu.  Kể cả khi đã được hấp thu, chúng chỉ có tác dụng làm chuyển hóa thuận lợi hơn chứ không phải nhanh hơn. Do đó, trông đợi vào thuốc giải rượu và các loại vitamin này là sai lầm.
Bác sĩ Bùi Quang Huy  Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103