Tăng dự trữ, mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đã được ngành công thương Hà Nội chú trọng nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý...

Việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đã được ngành công thương Hà Nội chú trọng nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán 2015 (ngày 21/1).

Tăng dự trữ hàng hóa

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, dịp cận Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu tăng 15 - 18% so với các tháng trong năm. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đánh giá: Trong thời gian tới, ngoài giá lương thực sẽ không có biến động lớn, giá các mặt hàng thực phẩm nhất là thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng 5 - 10%. Nguyên nhân là do việc kiểm tra chất lượng gia súc, gia cầm từ các nơi về Hà Nội được thắt chặt, các hộ chăn nuôi giữ lợn đến sát Tết để bán nên nguồn cung ít đi.

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Hiện các DN, trung tâm thương mại, siêu thị dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trị giá khoảng 16.000 tỷ đồng. Trong đó, các DN sản xuất rượu, bia, sữa, bánh kẹo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa trị giá 8.500 tỷ đồng, làng nghề cung ứng lượng hàng trị giá 150 tỷ đồng; các siêu thị dự trữ lượng hàng 6.750 tỷ đồng. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã cho phép các DN tham gia chương trình bình ổn giá được dự trữ và bán ra 7 nhóm hàng thiết yếu trị giá 276,75 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn tự có của mình, các DN còn dự trữ lượng hàng trị giá 500 tỷ đồng.

 
Hà Nội đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Hà Nội đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
 Thông tin từ các DN tham gia cung ứng hàng Tết cho thấy, nhằm đảm bảo lượng lương thực, thực phẩm, rau xanh… cho thị trường trong dịp Tết, nhiều DN đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh khác. Trong đó, hàng rau, củ, quả được khai thác từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Hải Dương, Sơn La với mặt hàng thịt lợn, gà khai thác từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ưu tiên tiêu thụ hàng Việt

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, đòi hỏi Sở Công Thương Hà Nội cùng với các DN đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá, trong đó 7 mặt hàng bình ổn sẽ được bán với giá rẻ hơn thị trường từ 5 - 10%, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng nhất là khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp trên địa bàn, ngành công thương sẽ tập trung bán hàng thiết yếu tại 610 điểm bán bình ổn giá cố định, khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng. Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động, 7 trung tâm bán hàng Tết và tổ chức 3 phiên chợ Tết tại các huyện… qua đó đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở Công Thương, trong quá trình thực hiện chương trình vẫn gặp không ít khó khăn. Ý kiến của một số DN tham gia chương trình cho thấy, phần lớn kinh phí thực hiện đưa hàng về nông thôn đều do DN tự trang trải nên hầu như không có lãi, khiến số DN tham gia đưa hàng về nông thôn không nhiều. Tại một số huyện thường bố trí điểm bán hàng ở khu vực xa trung tâm xã, huyện nên công tác vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhất là khi thời tiết không thuận lợi…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán của Hà Nội đã được chuẩn bị khá chu đáo với lượng hàng hóa trị giá hơn 16.000 tỷ đồng. DN trong quá trình mở rộng các điểm bán hàng Tết nên lồng ghép với Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: Trong đợt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các DN cần tập trung đưa hàng về nông thôn thông qua 150 chuyến bán hàng lưu động. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ Công Thương nên có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc liên kết dự trữ hàng hóa nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao qua đó triển khai tốt chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần