Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng hiệu quả, giảm lãng phí

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin được đưa ra tại buổi làm việc về đầu tư công trung hạn của Chính phủ ngày 24/5 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Tuy nhiên, sẽ cắt giảm mạnh số dự án chưa cấp thiết.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên. Ảnh: T.Anh
Cụ thể, giảm 1.050 dự án (từ 6.447 dự án dự kiến trước đó các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cắt giảm còn khoảng 5.397 dự án). Theo Bộ KH&ĐT, số lượng dự án có thể tiếp tục giảm xuống, về mức 5.000 dự án cho 5 năm tới để ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết, hiệu quả. Phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, Thủ tướng Nguyễn Minh Chính cũng nhắc tới tình trạng một số tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ, ngân sách có hạn nhưng dự kiến tới hàng trăm dự án trong 5 năm tới. Thực tế, rất nhiều công trình sau khi hoàn thành nhưng không phát huy được hiệu quả đầu tư. Ví dụ cho câu chuyện đầu tư công lãng phí mà báo chí đã nói rất nhiều là một số công trình thủy lợi hàng nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thành thì chưa biết để làm gì, tưới nước vào đâu. Tình trạng xây dựng các trụ sở nhiều hơn việc thực hiện các chính sách dân sinh vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương…
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến GDP giảm mạnh so với kế hoạch. Trong bối cảnh nguồn lực dành cho đầu tư công có hạn nhưng áp lực chi để phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn tới thì ngược lại, sẽ vô cùng lớn. Chưa kể năm 2021, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh khiến nhiều công trình bị đội vốn. Điều này khiến hàng loạt dự án đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Trong bối cảnh như vậy, hơn lúc nào hết, phải sử dụng nguồn lực đầu tư công tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất; khắc phục triệt để tình trạng lãng phí do chủ trương đầu tư không đúng dẫn đến tình trạng nợ công tăng, mất cân đối nguồn vốn; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, một trong những nội dung quan trọng là kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công. Cương quyết xóa bỏ "xin - cho", chạy dự án. Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2021 - 2026, cơ cấu ngân sách sẽ không chỉ ưu tiên tiên các vùng khó khăn như miền núi, biên giới, hải đảo... mà còn bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia đồng tình, nguồn vốn đầu tư công sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có tính chất "quả đấm thép", dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn liên vùng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương; các dự án chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách, tạo động lực thu hút đầu tư ngoài ngân sách (vốn trong nước, vốn nước ngoài) thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án PPP, nhân lên nguồn lực đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.