Điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm với cán bộ lãnh đạo:

Tăng hiệu quả kiểm soát quyền lực

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những điểm nhấn trong Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được ban hành nhận được nhiều sự quan tâm của Nhân dân.

Nhiều ý kiến nhận định, những quy định lần này đã được cụ thể hóa hơn, mạnh hơn cũng như đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thúc đẩy tinh thần tự soi, tự sửa

Từ thực tiễn những năm qua, đặc biệt qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội với những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (năm 2013, 2014, 2018), kết quả đã khẳng định, đây là một biện pháp tích cực, giúp đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy được tác dụng tốt, thu hút được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của người dân.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Phạm Thắng

Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, qua những lần lấy phiếu tín nhiệm, kết quả cho thấy có những người ở đợt trước tín nhiệm không cao nhưng sau đó chắc hẳn đã phải suy nghĩ, nâng cao bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết. Kết quả ở lần lấy phiếu sau mức độ tín nhiệm đối với họ đã có sự chuyển biến hơn.

Nói khác đi, qua mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ có thể nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn, đấy chính là mục đích quan trọng của vấn đề này. Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm thể hiện rằng, tất cả các cơ quan tham gia vào hệ thống quyền lực Nhà nước đều bình đẳng như nhau, đều có trách nhiệm phải giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành (Quy định này thay thế Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội) đã chỉ rõ các nguyên tắc, đối tượng, tổ chức nơi lấy phiếu, cách thức, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm…

Đặc biệt, điểm mới của văn bản này là quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm (theo Quy định số 262 trước đây, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn).

Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm (theo Quy định trước, người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ được cho từ chức hoặc thôi chức nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ). Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá cán bộ" như trước đây.

Ngoài lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, Quy định 96-QĐ/TW còn xét đến tiêu chí là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao...

Bộ Chính trị nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Đồng thời là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Thước đo quan trọng

Nhận định về những điểm mới trong quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, với quy định cao hơn lần này, việc lấy phiếu có thể sẽ tạo ra áp lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng cũng tạo ra động lực để cán bộ phấn đấu tốt hơn, hoàn thiện mình hơn. Qua đó, giúp mỗi người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm tự soi, tự sửa, loại bỏ đi những khuyết điểm.

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở đánh giá cán bộ và thực hiện các chính sách với cán bộ, từ vấn đề quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, đến giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm… như các quy định cụ thể hóa lần này là phù hợp, thay vì chỉ đơn thuần mang tính chất tham khảo như trước.

Bên cạnh đó giúp người cán bộ lãnh đạo quản lý giữ mình tốt hơn về phẩm chất đạo đức, cũng như nâng cao năng lực trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, từ "kênh thông tin tham khảo" trở thành "sử dụng để đánh giá cán bộ", Quy định 96 trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trên cơ sở Quy định 96, các ý kiến cũng cho rằng, việc lấy phiếu tại Quốc hội lần này cũng sẽ tạo thêm những bước đột phá mới.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu của cán bộ càng được thể hiện rõ ràng hơn. Nhờ vậy, chẳng những hình ảnh, uy tín bản thân của các chức vụ được bầu được củng cố mà công việc chung cũng được lợi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm rộng hơn, lan tỏa đến các vị trí khác trong hệ thống hành chính công, sẽ có hiệu quả cao hơn nữa, thúc đẩy tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng tiếp theo là việc cung cấp thông tin, vào cuộc của các tổ chức trong thực hiện, để việc lấy phiếu tín nhiệm được chính xác vì lá phiếu chính là thước đo quan trọng, một kênh để kiểm soát quyền lực của cán bộ.

 

"Đặc biệt chú ý đến việc lấy phiếu tín nhiệm còn xét sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này cũng từng được nêu ra trong quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Nếu lãnh đạo nghiêm khắc, thì bản thân vợ con sao dám lợi dụng, làm bừa, nhưng trong quan hệ gia đình, nhiều khi là cả nể, rồi người thân nhiều khi muốn tự khẳng định uy quyền của mình. Quy định 96 tiếp tục nhắc lại một lần nữa cho thấy, cán bộ không chỉ tu dưỡng rèn luyện bản thân mà còn phải có trách nhiệm nghiêm khắc trong nhắc nhở, giáo dục người thân, tránh đi những vi phạm." - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An

---

"Quy định lần này cụ thể hơn, lượng hóa hơn những tiêu chí và việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ. Bởi khi cán bộ không còn đủ uy tín thì sẽ không thể ngồi vào vị trí hiện tại. Đồng thời, điểm mới về xem xét đến kết quả lãnh đạo, công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ làm tăng trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo trong vấn đề này." - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần