Từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế TMĐT
Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR): 11,21% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Chính sự phát triển của hoạt động TMĐT tạo ra những khó khăn trong việc kiểm soát luồng dữ liệu lớn đến từ các hoạt động giao dịch và kinh doanh trên sàn TMĐT. Thực tế quản lý thuế thời gian qua cho thấy, hàng loạt chiêu lách thuế TMĐT tinh vi đang được thực hiện và truyền tai nhau.
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết, nhờ xây dựng tốt cơ sở dữ liệu người nộp thuế (NNT) nên cơ quan thuế Hà Nội vẫn thu đúng, thu đủ thuế các hoạt động TMĐT dù người dùng sử dụng nhiều chiêu lách thuế tinh vi.
“Đơn cử, nhiều người truyền tai nhau về việc không ghi nội dung chuyển khoản mua bán online thì sẽ qua mặt được cơ quan thuế. Nhưng thực ra không phải như vậy" - ông Vũ Mạnh Cường nói.
Tại Hà Nội, Cục Thuế TP đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT. Từ việc không thể định danh các đối tượng kinh doanh trên nền tảng số, đến nay, cơ quan thuế đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động kinh tế trên không gian mạng, xác định chính xác dòng tiền, vận chuyển và địa chỉ cư trú của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Trên cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT thu thập được, Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp ứng dụng CNTT hỗ trợ NNT tra cứu thông tin về doanh thu TMĐT, doanh thu từ kinh doanh trên nền tảng số để thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Tiếp tục xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, ứng dụng AI trong việc phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh TMĐT để xác định các hành vi không kê khai nộp thuế, trốn thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn
Theo đó, 508.652 gian hàng TMĐT được định danh, tăng 139% so với tháng 3/2024; 432.181 mã số thuế đã được cấp, tăng 218%; đưa vào quản lý 86.894 tổ chức, cá nhân, trong đó 40.511 hộ kinh doanh và 16.882 cá nhân, bao gồm cá nhân tiếp thị liên kết và sáng tạo nội dung số. Kết quả thu thuế TMĐT qua cơ quan thuế Hà Nội, lũy kế đến cuối năm 2024, tổng thu từ TMĐT đạt 42.510 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023.
Đặc biệt, các hành vi lách luật, như không ghi nội dung khi chuyển tiền, đều được Cục Thuế xử lý hiệu quả nhờ hệ thống dữ liệu mạnh mẽ, minh chứng cho sự quyết liệt trong quản lý TMĐT của ngành thuế.
Cục Thuế Hà Nội đã đẩy mạnh điện tử hóa các khâu trong quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Các công cụ công nghệ thông tin (CNTT) như gửi thông báo nợ điện tử, xác nhận nợ tự động, và ban hành quyết định cưỡng chế bằng hình thức điện tử đã giúp nâng cao hiệu quả công tác này. Kết quả đạt được đáp ứng chỉ tiêu do Tổng cục Thuế giao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, trong quá trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Tổng cục Thuế gặp một số thách thức trong việc minh bạch hóa doanh thu và giám sát giao dịch như: khó khăn trong định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động TMĐT do việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... chưa đồng bộ.
Cơ sở dữ liệu TMĐT còn một số hạn chế như: mới chỉ thu thập được phần lớn từ các sàn giao dịch TMĐT, chưa có cơ chế thu thập thông tin từ các nền tảng TMĐT khác; thông tin do sàn giao dịch TMĐT cung cấp còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh để định danh toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; chưa kiểm soát đầy đủ được các giao dịch kinh doanh TMĐT, giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Cần một chiến lược toàn diện và đồng bộ
Theo các chuyên gia kinh tế, để khai thác hiệu quả tiềm năng quản lý thuế từ các giao dịch trên sàn TMĐT, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện và đồng bộ. Trọng tâm là việc củng cố khuôn khổ pháp lý hiện hành, nhấn mạnh trách nhiệm báo cáo của các nền tảng TMĐT, quy định rõ ràng nghĩa vụ thuế, áp dụng chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính minh bạch và răn đe. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và DN là yếu tố then chốt trong việc chia sẻ dữ liệu và thiết lập một hệ thống thông tin thống nhất. Việc tháo gỡ các rào cản trong chia sẻ dữ liệu và xây dựng hệ thống kết nối thông tin an toàn sẽ tạo nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Song song với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế bằng cách đầu tư vào các hệ thống phân tích dữ liệu hiện đại. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ blockchain sẽ giúp cải thiện khả năng giám sát và tối ưu hóa quy trình quản lý các giao dịch. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về nghĩa vụ thuế thông qua các chương trình đào tạo và truyền thông sẽ khuyến khích tinh thần tự giác tuân thủ.
Để hoàn thành các nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cơ quan thuế quản lý chặt chẽ, khai thác các nguồn thu tiềm năng: triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, ngành thuế cần tiếp tục tập trung cao độ để đẩy nhanh thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong mọi khâu, mọi bước của quá trình quản lý, đẩy nhanh thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động; tự động hóa công tác quản lý nợ; ứng dụng AI trong thanh tra, kiểm tra; phân tích dữ liệu lớn trong TMĐT, quản lý hóa đơn, nhằm nâng cao năng suất lao động và phục vụ tốt nhất NNT, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp theo yêu cầu phát triển của kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và hội nhập quốc tế.
Cuối năm 2024, ngành thuế đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành chính thức Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT. Đây là kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện các thủ tục về thuế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch trong bối cảnh kinh doanh trên nền tảng số ngày càng mở rộng tại Việt Nam.