Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các phiên đấu giá đất tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội có mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Các chuyên gia cho rằng, cần cẩn trọng với việc này cũng như quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá.

Giá đất cao làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tháng 8/2022, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã đấu giá thành công 18 thửa đất thuộc tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, thu về gần 160 tỷ đồng, chênh 56,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trước đó, cũng tại huyện Mê Linh, vào cuối tháng 7 đã tổ chức đấu giá thành công 33 thửa đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, thu về gần 226 tỷ đồng, với mức giá trúng cao nhất thời điểm đó là 93 triệu đồng/m2. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội để đáp ứng tiêu chí lên quận sau năm 2025.

Một phiên đấu giá đất tại huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Một phiên đấu giá đất tại huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Thời gian gần đây, các phiên đấu giá đất tại huyện Mê Linh, Đông Anh đều có mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thậm chí xác lập kỷ lục mới khi có thửa hơn 106 triệu đồng/m2.

Tại Đông Anh, điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ có 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2 được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, trong đó giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2.

Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT trường, sai lầm của chúng ta là cứ dồn dập đấu giá đất, mà chưa quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất. Thực tế, các cuộc đấu giá đất ở nước ta luôn có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư với giá đất cao hơn bình thường. Và khi đầu vào đất đai cao, giá hàng hóa sản xuất cao theo. Trong khi đó, ở các nước xung quanh, chi phí đất đai thấp nên giá hàng hóa thấp. Điều này cho thấy, nếu đấu giá đất cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ kém đi.

Nhược điểm của cơ chế đấu giá đất hiện hành là không quy định về hiệu quả sử dụng đất sau khi đấu giá thành công mà chỉ lấy riêng chỉ tiêu tài chính, thậm chí DN nào trả giá cao chênh một đồng thôi là đã trúng đấu giá. Thế nhưng, tiếp theo đó họ sử dụng đất vào việc gì thì pháp luật lại không quy định.

Do đó, có nhiều trường hợp sau khi trúng đấu giá thì quây tôn khu đất đắc địa nhiều năm rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đấu giá đất phải đi đôi với quy hoạch. Nghĩa là DN trúng đấu giá phải thực hiện dự án theo quy hoạch, không phải cứ bỏ nhiều tiền là trúng.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, sự nhiễu loạn của các kênh đầu tư hiện nay, đặc biệt là sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị thì bất động sản Việt Nam vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng vốn lớn. Nhưng với sự tăng vọt về giá ở những khu đấu giá đất như thời gian vừa qua lại là biểu hiện của sự bất thường, có thể mang đến những tác động xấu trong quá trình phát triển.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ đấu giá khoảng 1.561,42ha tại 634 dự án. Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu năm 2022, trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, từ nay đến cuối năm, UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất, việc định giá đất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng. Số tiền trúng đấu giá đất đạt khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu dược khoảng 3.106 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả thu ngân sách từ hoạt động đấu giá đất chỉ đạt 25% chỉ tiêu của cả năm, UBND TP Hà Nội cho rằng, xuất phát từ việc còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá đến chuẩn bị các thủ tục thực hiện đấu giá theo quy định.

Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội) theo quy định mới tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 và Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ, dẫn đến nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện thiết lập lại hồ sơ về quy hoạch, thủ tục đầu tư theo quy định.