Hoàn thiện kỹ thuật
Năm 2012, huyện Phú Xuyên triển khai thí điểm mô hình mạ khay, máy cấy với diện tích 77ha tại 9 xã. Kết quả, năng suất lúa tăng 300 - 350kg/ha và tiết kiệm chi phí 3 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó, vụ xuân 2013, huyện đã mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy ra toàn bộ 33 HTX trên địa bàn với diện tích hơn 1.000ha. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, kỹ thuật sử dụng máy gieo mạ khay còn hạn chế nên mạ gieo không đều làm ảnh hưởng tới số dảnh, khóm khi cấy.
Ứng dụng kỹ thuật mạ khay, máy cấy tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.Ảnh: Thiện Quang
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, chủ cơ sở sản xuất mạ khay Phú Thanh (Thanh Hóa), đơn vị chuyển giao kỹ thuật cho nhiều địa phương tại Hà Nội cho biết, sản xuất mạ khay khi gặp thời tiết thuận lợi, chất lượng sản phẩm tốt. Hiện nay có khoảng 30 - 40% sản phẩm mạ khay bán cho nông dân chưa đạt yêu cầu chất lượng. Do mạ gieo không đều nên khi cấy số dảnh cũng không đều, tốn nhiều công tỉa, dặm…
Chính vì vậy, nhiều nông dân và lãnh đạo địa phương mong muốn các doanh nghiệp tích cực hoàn chỉnh kỹ thuật mạ khay, máy cấy và chuyển giao tốt công nghệ tới người dân. Trong đó, quan tâm nghiên cứu tích hợp thêm chức năng bón phân viên nén cho máy cấy. Theo đánh giá, nếu làm được việc này, có thể tiết kiệm chi phí cho nông dân gần 2 triệu đồng/ha và tăng thêm thu nhập cho máy cấy 4.000 - 5.000 đồng/ha.
Đồng hành cùng nông dân
Cùng với những băn khoăn về kỹ thuật, nhiều nông dân hiện nay đang gặp khó khăn về kinh phí mua máy bởi giá thành khoảng 100 triệu đồng/máy cấy còn quá cao. Mặc dù Nhà nước đã có cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng thiếu đồng bộ và nặng về thủ tục hành chính nên chưa khuyến khích được người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Trong khi chờ hỗ trợ từ TP, một số huyện đã chủ động có chính sách hỗ trợ cho người nông dân. Đơn cử, UBND huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ 45 triệu đồng/máy và chỉ đạo các xã, HTX hỗ trợ 25 triệu đồng/máy. Huyện Sóc Sơn cũng mới thông qua gói hỗ trợ 8 tỷ đồng cho chương trình cơ giới hóa năm 2013.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc áp dụng mạ khay, máy cấy là hướng đi tất yếu góp phần hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Do đó, cần có chính sách phù hợp khuyến khích người nông dân đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất.
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT triển khai mô hình máy cấy lúa trên diện rộng. Để tạo điều kiện mở rộng mô hình, Trung tâm đề nghị bổ sung danh mục áp dụng máy cấy và mạ khay được vay vốn ưu đãi theo QĐ số 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy cho năng suất cấy lúa đạt 0,8 - 1ha/máy/ngày (tương đương với 25 - 30 lao động), tăng năng suất lúa 10% so với phương pháp cấy tay truyền thống. Vụ xuân 2013, diện tích lúa được cấy bằng máy toàn TP đạt 1.500ha. |