Tăng hỗ trợ nâng hiệu quả khuyến công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nguồn kinh phí đã được điều chỉnh theo hướng tăng mức hỗ trợ, nhưng để Chương trình Khuyến công quốc gia đủ sức hút cũng như tạo sự bền vững, cần có những chính sách xã hội hóa nguồn kinh phí này.

Nâng kinh phí hỗ trợ

Theo nội dung Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BTC-BCT của Bộ Tài chính - Công Thương (có hiệu lực từ ngày 8/4) hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, mức chi hoạt động khuyến công quốc gia được quy định khá cụ thể. Thông tư quy định cụ thể về trình tự lập, quản lý, sử dụng, kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện, thụ hưởng và quản lý các chương trình, kế hoạch và đề án khuyến công quốc gia quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Theo đó, chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hoàn thiện kế hoạch kinh doanh khả thi; dự án thành lập doanh nghiệp và chi phí liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình. Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở. Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở…

 
Sản xuất mây tre đan tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương.  	 Ảnh:  Trần Việt
Sản xuất mây tre đan tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương. Ảnh: Trần Việt

Thông tư cũng nêu rõ, trong hoạt động khuyến công quốc gia, chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1.500 triệu đồng/cụm công nghiệp. Chi hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp. Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, gồm san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ không quá 3.000 triệu đồng/cụm công nghiệp…

Vốn hỗ trợ nên chỉ là “vốn mồi”

Với những quy định khá cụ thể có thể thấy, mức hỗ trợ cho các đề án khuyến công quốc gia đã được điều chỉnh tăng rõ rệt, thậm chí có những nội dung được tăng 100% kinh phí hỗ trợ, tiêu biểu, nội dung hỗ trợ mô hình trình diễn được hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/đề án (mức hỗ trợ cũ là tối đa 250 triệu đồng/đề án). Ngoài ra, mức hỗ trợ cho các nội dung khác của chương trình khuyến công cũng đã được cải thiện, như: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất với mức tối đa 200 triệu đồng/đề án; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại những địa phương vùng sâu, vùng xa... với mức 10 triệu đồng/đề án; hỗ trợ 80% chi phí thuê gian hàng cho các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong nước... Sự điều chỉnh theo hướng tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề án đã giải quyết phần nào sự khó khăn của các địa phương trong việc vận động cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia và thụ hưởng chương trình.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, điều quan trọng hơn là Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) và các tỉnh, TP trên cả nước phải đánh giá được hiệu quả của chương trình khuyến công, cần có sự quan sát, đánh giá tổng thế để có sự điều chỉnh cả về cơ chế và phương thức hỗ trợ sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khuyến công dù đã tăng đáng kể nhưng cũng cần coi đó chỉ mang tính chất "vốn mồi", điều quan trọng là xây dựng những chính sách xã hội hóa nguồn kinh phí này nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia. Như vậy mới tạo hiệu quả ổn định, bền vững khi thực hiện các chương trình khuyến công.

 
Theo số liệu của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), năm 2013, nguồn kinh phí khuyến công được giao là hơn 91,1 tỷ đồng, Cục đã triển khai 75,368 tỷ đồng, đạt 82,69% kế hoạch năm.