Nhiều người cho rằng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế, do đó việc tặng hoa từ tiền thật vào các Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày sinh nhật… trở nên khá phổ biến. Các bó hoa được làm từ các đồng tiền có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền polime.
Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại sẽ dễ dẫn đến bị rách, biến dạng và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ.
Theo Quyết định số 130/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, hủy hoại tiền Việt Nam là một trong số các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 4 Quyết định này.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó trưởng Phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm rách, hỏng tiền được quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, tại Điều 31, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật; phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Như vậy, hành vi cố tình làm rách, hỏng tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định trên của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn thể bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng khuyến nghị, Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tế việc xác định hành vi vi phạm là khá khó khăn do ranh giới giữa việc cố ý và vô ý thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp này là không rõ ràng. Người bán cũng như người mua trong nhiều trường hợp chỉ mong muốn món quà của mình trở nên đặc biệt, nâng cao giá trị của món quà và người được tặng quà cũng có thể sử dụng chính số tiền được tặng đó theo đúng chức năng của nó mà không nhằm mục đích hủy hoại, làm hỏng tiền. Do vậy, người kinh doanh và người tiêu dùng cần trang bị kiến thức pháp luật và hết sức lưu ý vấn đề này nhằm hạn chế những vi phạm pháp luật có thể xảy ra khi việc sử dụng bó hoa làm bằng tiền để tặng quà đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội.