Tăng học phí phải đi cùng với tăng chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập của Hà Nội sẽ tăng từ 1/1/2016.

Theo nhận định của lãnh đạo một số trường và chuyên gia giáo dục, mức tăng học phí ở khu vực nội, ngoại thành không ảnh hưởng tới kinh tế của các gia đình, song mức tăng này có giúp các trường tăng chất lượng dạy - học, cũng như hạn chế được tình trạng lạm thu diễn ra lâu nay?

Không ảnh hưởng tới kinh tế gia đình

Từ 1/1 tới - tức là học kỳ 2 năm học này, mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập sẽ là: 60.000 đồng/học sinh (HS)/tháng khu vực thành thị, 30.000 đồng/HS/tháng vùng nông thôn và 8.000 đồng/HS/tháng khu vực miền núi. Riêng các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được tính từ 1/12/2015. Như vậy, so với mức thu hiện nay, khung học phí cơ bản tăng thêm 30%. Hiện tại, mức thu ở vùng thành thị đang là 40.000 đồng/HS/tháng, vùng nông thôn là 20.000 đồng/HS/tháng và miền núi được miễn học phí.
Giờ học Toán của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn. 	Ảnh: Chiến Công
Giờ học Toán của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: Chiến Công
Trước thông tin học phí tăng, đa số phụ huynh khẳng định không ảnh hưởng tới kinh tế gia đình, song băn khoăn về chất lượng dạy và học là nỗi lo lắng chung. Bà Nguyễn Thị Nga, nhà ở khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) cho rằng, tăng học phí thêm 20.000 đồng/tháng không làm các gia đình bận tâm, nhưng tăng học phí phải đi cùng với chất lượng giáo dục, tăng học phí thế nào để HS không phải đi học thêm. “Điều băn khoăn không chỉ của riêng gia đình tôi là tiền học thêm của các con. Bởi tiền mỗi buổi học thêm thường gấp đôi so với cả tháng học phí ở trường (khoảng 100.000 - 120.000 đồng/buổi). Nhưng học phí tăng ít hay nhiều thì vấn đề là nhà trường phải đảm bảo được chất lượng học của các cháu. Làm sao để các cháu không phải đi học thêm, gia đình yên tâm với việc học ở trường của con" - bà Nga chia sẻ.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hà, nhà ở phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, dù học phí tăng ít, các nhà trường luôn phải đặt chất lượng dạy - học lên hàng đầu. “Theo tôi, để chính sách mới được người dân ủng hộ, mức phí tăng phải đủ để các trường tăng cường cơ sở vật chất, có đủ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên (GV), có chế độ đãi ngộ cho đội ngũ GV, như thế GV mới chuyên tâm giảng dạy ở trường” - anh Hà bày tỏ.

Mối quan tâm đầu tiên

Suy nghĩ của các bậc phụ huynh cũng chính là quan điểm của lãnh đạo các nhà trường, dù học phí tăng ít hay nhiều phải luôn đặt chất lượng dạy - học lên hàng đầu. Ông Nguyễn Tu Tập - Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, đã nắm được tinh thần của TP về mức tăng học phí mới, nhưng đến nay, trường chưa có hướng dẫn thu học phí cụ thể. Theo ông Tập: “Học phí tăng lên mà miễn giảm học phí cho đối tượng HS nghèo thì chính sách thực sự có ý nghĩa. Còn đối với nhà trường, dù học phí có giảm hay tăng, chúng tôi luôn đặt mục tiêu chất lượng dạy - học lên hàng đầu. Hiện, học phí nhà trường thu được gần 300 triệu đồng/năm, nếu thu ở mức mới thì kinh phí tăng lên không đáng kể, khoảng hơn 400 triệu đồng/năm (trước thu 20.000 đồng/HS/tháng, nay thu lên 30.000 đồng/HS/tháng). Hàng năm, trường vẫn dành kinh phí tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; mời chuyên gia về trao đổi nghiệp vụ cho đội ngũ GV…".

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đồng tình tăng học phí phải đi cùng với tăng chất lượng. Tăng học phí giúp các trường thêm nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên trong nhà trường thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn. Nếu tăng học phí không đi cùng với chất lượng mà phụ huynh vẫn phải gánh những khoản thu thêm, chi ngoài thì là sự mệt mỏi cho người dân.

Có thể khẳng định, dựa trên nghị quyết về mức học phí do Chính phủ ban hành, Hà Nội đã áp dụng mức học phí thấp nhất (phần thiếu sẽ được ngân sách TP bù. Cơ chế cấp bù luôn đảm bảo đủ 30% chi cho hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác cho các nhà trường, 70% chi cho lương). Các khoản thu khác ngoài học phí cũng được TP quy định rõ trong 10 khoản thu để tránh tình trạng lạm thu. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP dành cho giáo dục, đặc biệt trong quá trình đổi mới căn bản và giáo dục đào tạo.