Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng kết nối cung - cầu: Doanh nghiệp bắt tay cùng vượt khó

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết nối giao thương để tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa; cùng với đó là định hướng sản xuất, giới thiệu thị trường để giúp DN Việt Nam xuất khẩu (XK) hàng hóa... là những giải pháp được nhiều DN đưa ra tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” sau dịch Covid-19 tổ chức ngày 28/5.

 Doanh nghiệp tìm hiểu kết nối cung cầu tại hội nghị.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thị trường XK bị cắt giảm, những đơn hàng cũ, đơn hàng mới đều bị chấm dứt, thị trường nội địa cũng bị sụt giảm hơn 90%.

Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ giao các Sở Công Thương, Du lịch, NN&PTNT triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa, đẩy mạnh XK góp phần tái khởi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội đã đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN không thể XK, tiêu thụ hàng hóa, khiến tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, du lịch của TP Hà Nội giảm sút. Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 6,3%, kim ngạch XK giảm 4,7%, kim ngạch nhập khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Nói về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm DN gặp phải trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết: Cũng như nhiều DN dệt may khác, dịch Covid-19 khiến Tổng Công ty May 10 cũng bị đứt nguồn cung ứng nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu giảm sút khoảng 40% so với thời điểm trước. Trong khi đó, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Chương Mỹ chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến phần lớn các cơ sở sản xuất của làng nghề phải đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng do khó khăn về “đầu ra”.
Các ngành du lịch, dịch vụ cũng trong tình trạng tương tự. Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Hà Nội Trương Thị Mỹ Nghệ thông tin: Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng Covid-19 nên lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 59,2% so với cùng kỳ năm trước. “Lượng khách du lịch giảm sút đã khiến 80% DN ngành du lịch gồm 1.200 cơ sở lưu trú và 1.364 DN lữ hành tạm dừng hoạt động, dẫn đến 35.000 lao động không có việc làm” - bà Nghệ nói.
Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm
Theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, bản thân các DN Việt Nam phải có sản phẩm tốt có giá cả cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… qua đó đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ và đồng hành để các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với DN, đặc biệt là DNNVV.
Mở hướng kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các DN sản xuất, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH BRG Retails (DN thành viên Tập đoàn BRG) Nguyễn Thùy Dương thông tin: Tập đoàn BRG đã giao cho DN làm đầu mối duy nhất thu mua hàng hóa từ các nhà cung cấp đưa vào tiêu thụ tại 100 siêu thị Intimex, FujiMart, Hapro Mart, Seika Mart... Ngoài ra, mặt hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, điều, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ cũng được thu mua phục vụ xuất khẩu, hiện tổng giá trị mua hàng của BRG Retail khoảng 15.000 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH Mega Market Việt Nam với 17 DN cung ứng; Công ty TNHH Bán lẻ BRG ký kết với 8 DN… với mục tiêu cụ thể hóa, tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt.
Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại – đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Dong Chul đánh giá chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt. 50 DN Hàn Quốc tham dự hội nghị mong muốn xây dựng được mối liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ với các DN Việt Nam qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam tới thị trường Hàn Quốc và thế giới. Đồng tình với ý kiến này, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm chia sẻ: Bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu 150 tỷ USD hàng nông sản từ Việt Nam. Nhưng năm 2019 Việt Nam mới xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng trị giá 1,6 tỷ USD. “Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương đẩy mạnh xúc tiến hàng nông sản Việt Nam sang các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây” - ông Cẩm nhấn mạnh.
Để hỗ trợ DN tăng kim ngạch XK, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại, các cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài triển khai nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore. Những hoạt động kết nối giao thương sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành công thương, khôi phục, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới” - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nói.
Việc các DN trong nước cũng như các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ hàng hóa thời kỳ “hậu” Covid-19 là hành động thiết thực tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để DN sản xuất kinh doanh, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và XK.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia mà Việt Nam đang XK lượng hàng hóa lớn. Do đó, thị trường nội địa chính là nơi có thể giúp DN đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối liên kết giữa các DN, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Để nhanh chóng hỗ trợ các DN trong tình hình mới, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoat động giao thương, xúc tiến thương mại qua đó hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa, khắc phục khó khăn về thị trường. 

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú