Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những cơ hội này là không ít thách thức đòi hỏi phải sớm có những lời giải cụ thể.
WEF ASEAN 2018 với Chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4” có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có nhiều lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ; 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong cách mạng công nghiệp 4.0… Điều đó, cho thấy sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế trước xu thế phát triển mới đang diễn ra. Sự lan tỏa nhanh chóng đó đến từ việc xu thế này không chỉ hiện hữu và diễn biến nhanh chóng ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người mà nó còn tạo ra cho mỗi nền kinh tế có được điều kiện phát triển bình đẳng nếu biết tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Nó không chỉ dừng lại ở sự chuẩn bị tốt về thể chế, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực… mà còn là những sự kết nối phù hợp với trình độ và xu thế chung. Nếu như Singapore nhấn mạnh đến kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, lực lượng lao động trẻ có trình độ tốt, đề cao vai trò của thương mại điện tử và giao thương không biên giới, thì Indonesia lại quan tâm đến việc kết nối tạo ra những nguồn tài nguyên vô tận trong thế giới số, không chỉ tạo ra những công cụ hữu ích mà còn giảm tác động đến môi trường và thậm chí giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Campuchia tìm thấy việc kết nối trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp định hình lại các nhân tố sản xuất, hành vi tiêu dùng,… Từ những góc độ khác nhau, từ thực tế phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước, những nhà lãnh đạo ASEAN và đại diện một số nước tham dự Diễn đàn WEF ASEAN 2018 đều có chung quan điểm sự kết nối với ASEAN trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là kết nối số, mà còn là kết nối thực thể, để nâng cao vai trò của ASEAN, nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nền kinh tế trong cộng đồng. Với vai trò là nước chủ nhà, với tâm thế của quốc gia sẵn sàng cho những cơ hội phát triển, Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm của mình khi quá trình phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và đang được hiện hữu trong nhiều lĩnh vực và đề ra những giải pháp nhằm hạn chế những thách thức từ cuộc cách mạng này. Đó là việc kết nối số, chia sẻ dữ liệu, cùng với chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối; Kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm này, từ đó tạo môi trường tốt khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo…; Hình thành mạng lưới giáo dục, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bắt kịp xu thế phát triển chung, hướng tới sự thịnh vượng, các nền kinh tế ASEAN đang không chỉ nỗ lực xây dựng tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới mà còn sẵn sàng cho những mô hình kinh tế và động lực đổi mới, sáng tạo mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.