Tăng kết nối, thúc đẩy giao thương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc tăng cường kết nối doanh nghiệp (DN) 2 nước, từ đó đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2015.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội thảo Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Công Thương phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tổ chức ngày 14/4, tại Hà Nội.

Chưa xứng với tiềm năng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Quảng Đông đạt gần 12,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2012. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 1,71 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Đông lượng hàng hóa trị giá 720 triệu USD, tăng 19,4%, nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 995 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. 
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lào Cai.      Ảnh: Việt Dũng
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Việt Dũng
 
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Quảng Đông liên tục tăng, nhưng xét về tiềm năng, thế mạnh của thị trường này thì mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư… giữa hai bên chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Theo ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện trung bình hàng năm, tỉnh Quảng Đông nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 450 tỷ USD/năm, trong đó, nhập khẩu 100% số lượng than, 21% lượng dầu mỏ và một lượng lớn hàng nông sản… Tuy nhiên, lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm 11,6% tổng kim ngạch thương mại giữa các nước ASEAN với tỉnh Quảng Đông. Tình trạng này có nguyên nhân không nhỏ do hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ của Việt Nam nối với các tuyến đường thuộc "Hai hành lang một vành đai", chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn. Hiện, đa phần các tuyến đường quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng mới chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tuyến đường sắt cũng trong tình trạng lạc hậu nên gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa bằng xe container. Ngoài ra, các thủ tục hành chính và cơ chế hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu giữa 2 nước vẫn còn bất cập, chưa quy định thống nhất về bộ chứng từ, quy trình thủ tục về thương mại biên mậu chung cho các ngân hàng thương mại. Việc hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc tại cửa khẩu biên giới trong thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét cho bất cập này. 

Tăng cường kết nối

Để thúc đẩy kim ngạch giao thương giữa 2 nước thì việc tạo điều kiện cho DN hoạt động là vấn đề cần chú trọng.

Tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hoa - Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông cho rằng: Muốn nâng cao được kim ngạch thương mại 2 chiều, thì cả Trung Quốc và Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các khu kinh tế và cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm như: Tuyến đường cao tốc, đường sắt từ Trung Quốc đến Hà Nội, Hải Phòng, qua đó rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa cho cả 2 phía. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới theo hướng mậu dịch tự do tại các cửa khẩu, từ đó tạo điều kiện cho thương nhân hai nước trao đổi hàng hóa. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có chính sách khuyến khích DN Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, năng lượng… nhưng chính quyền tỉnh Quảng Đông nên tích cực phối hợp với các ngành chức năng của Việt Nam trong việc triển khai những ưu đãi cho DN Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Quảng Đông. Tuy nhiên, chính bản thân các DN phải khai thác tốt ưu đãi thương mại song phương và đa phương, xây dựng được những mặt hàng xuất khẩu chủ lực; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại tỉnh Quảng Đông và các tỉnh lân cận như Vân Nam, Quảng Tây… Ngành công thương nên chú trọng phát triển hạ tầng thương mại biên giới, xây dựng các mô hình khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo ra dòng giao thương hiện đại, làm cơ sở thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước.

 
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa đã chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực nông sản, điện tử, viễn  thông… với tổng trị giá 200 triệu USD giữa DN Việt Nam - Trung Quốc. Trước đó, ngày 13/4 đoàn DN Quảng Đông đã thăm và làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần