Thời gian qua, Bộ Tài chính đã xử lý trên dưới 300 cán bộ, công chức thuế, hải quan vi phạm về hành chính. Xử lý đúng người, đúng mức Đầu tháng 7, cán bộ hải quan Đà Nẵng đã bị một hành khách tố về việc “vòi tiền”, nhũng nhiễu khách hàng. Theo đó, trên Facebook, một hành khách thường trú ở Thừa Thiên - Huế cho biết, 2 nhân viên cơ quan hải quan Đà Nẵng đã gây khó dễ đủ thứ, dọa làm giấy tờ nộp thuế, đòi mở thùng và “xin” 400.000 đồng tiền uống nước xong mới thôi vòi vĩnh. Cũng trong tháng 7, cơ quan công an đã phát hiện hơn 100 phách gỗ ngay trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang - Quảng Ngãi)... Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức cán bộ hải quan đã khiến hình ảnh ngành này bị ảnh hưởng. Số liệu từ lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, mấy năm vừa qua, Bộ đã tiến hành luân chuyển hơn 10.000 cán bộ; và quá trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã xử lý trên dưới 300 cán bộ, công chức trong lĩnh vực thuế, hải quan vi phạm về hành chính. “Có những cá nhân có thể nói là "con sâu làm rầu nồi canh" đã bị xử lý rất nghiêm minh, vi phạm đến mức xử lý pháp luật thì xử lý pháp luật, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông Dũng cũng cho biết, sai đến đâu thì xử lý đến đấy. Quan điểm của Bộ là phát hiện đến đâu, xử lý đến đó và phải đúng mức. Chịu trách nhiệm nếu để sai, phải xin lỗi nếu chậm Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu kết luận là có việc cán bộ hải quan nhũng nhiễu người dân, DN, ngoài các giải pháp hành chính, nếu đủ chứng cứ, cần xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự theo đúng các quy định: “Dù là giải pháp gì chăng nữa cũng không nên nương nhẹ mang tính xử lý nội bộ cho qua chuyện”. Cũng theo ông Long, muốn người dân, DN báo tin thì phải bảo vệ được nguồn tin. Ngoài ra, sự thực thi pháp luật của đường dây nóng này như thế nào cũng là câu hỏi khiến người dân, DN băn khoăn. Vì thế, nhiệm vụ của hải quan là phải làm sao để người dân, DN tin tưởng vào kênh “đường dây nóng” bằng cách thực thi nghiêm túc, nghiêm minh các phản ánh của họ. Cần có cơ chế giám sát, xử lý cán bộ chặt chẽ và công khai hơn nữa.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, trong thời gian qua, nhất là 2 - 3 năm gần đây, các cải cách trong ngành thuế, ngành hải quan rất mạnh mẽ. Bộ Tài chính đã quyết tâm phải làm tiếp và đã có những kế hoạch triển khai tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và gần đây nhất là Nghị quyết 60 của Chính phủ về vấn đề đẩy mạnh giải ngân cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Thuế TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý thu đâu đó vẫn còn những kêu ca, phàn nàn về việc cán bộ thuế chưa tạo điều kiện cho DN. Vì thế, thời gian tới, cơ quan thuế cần tiếp tục lưu ý và tiếp tục có biện pháp, giải pháp tạo điều kiện cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế. Tháng 7/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị các lực lượng khắc phục tình trạng cò mồi tại một số điểm thu lệ phí trước bạ và có biện pháp xử lý kịp thời. Phó Chủ tịch UBND cũng yêu cầu Cục Thuế cần tăng cường tuyên truyền chấn chỉnh cán bộ công chức ngành mình, thực hiện xin lỗi người nộp thuế khi giải quyết thủ tục hành chính chưa đúng thời gian quy định.
Cán bộ Hải quan Hà Nội hướng dẫn người dân làm tờ khai. Ảnh: Chiến Công |