Từ hôm nay (23/9), NHNN Việt Nam chính thức tăng lãi suất điều hành. Sau khi FED đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế.
Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/9/2022.
Bản tin cập nhật vĩ mô “Tăng lãi suất điều hành và những tác động lên dự báo vĩ mô” của VNDIRECT đánh giá, hành động của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, các chuyên gia công ty này có ''đôi chút bất ngờ'' về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của VNDIRECT ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022).
Sau đợt tăng lãi suất lần này, ít khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022.
Về tỷ giá hối đoái, bản tin của VNDIRECT cho rằng, tỷ giá vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022.
Trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực tăng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất. Gói cấp bù lãi suất 2% nằm trong gói kích thích kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên đến 40.000 tỷ đồng, dành cho các DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Có khoảng 10 nhóm ngành chính sẽ được hỗ trợ, bao gồm hàng không; du lịch; vận tải và kho bãi; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; chế biến chế tạo.
Theo NHNN, ước tính đến hết tháng 8, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022. Việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ.
“Chúng tôi cho rằng cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20 - 40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất” - báo cáo VNDIRECT nhìn nhận.