Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng liên kết để phát triển làng nghề bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/4, Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhânđã đi khảo sát một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình tại làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng và Hội làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.

Cùng đi có  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt.

Hoài Đức hiện có 51/53 làng có nghề với 393 doanh nghiệp và 7.941 hộ sản xuất kinh doanh. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và các làng nghề nói riêng trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, vừa giải quyết việc làm, vừa từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương. Doanh thu các làng nghề ước tính 1.800 tỷ đồng/năm, chiếm 39,6% tổng giá trị ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2014; thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP trò chuyện với các nghệ nhân Sơn Đồng.
Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP trò chuyện với các nghệ nhân Sơn Đồng.
Tuy đóng vai trò phát triển rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, song trên thực tế cho thấy, hoạt động bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn: Phần lớn các hộ gia đình, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư đối với máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao. Tổ chức sản xuất còn phân tán; trình độ quản lý, tay nghề lao động kém; khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh…

Từ thực tế khảo sát tại làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, muốn phát triển làng nghề, phải tìm giải pháp để vừa phát huy những giá trị truyền thống nhưng đồng thời phải thích nghi được với cuộc sống hiện đại.

Theo đó, đồng chí cho rằng, nhất định phải có sự hợp tác làm ăn giữa những người dân làng nghề. Không thể để người dân tự phát triển một cách manh mún mà phải có các hợp tác xã hoặc hiệp hội liên kết, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất. Thay vì từng hộ phải làm một việc lặp đi lặp lại, phải mua một máy sản xuất với công nghệ lạc hậu, việc các hộ hợp tác liên kết với nhau sẽ đẩy mạnh chuyên môn hoá, mua được nhiều nguyên, vật liệu với giá rẻ hơn, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại hơn, sản xuất hiệu quả hơn.

Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam, liên kết sẽ tạo cơ hội cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm; tổ chức dạy nghề; bán hàng, xây dựng thương hiệu, bảo vệ mẫu mã sản phẩm và xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Những việc này, hộ cá thể không làm được hoặc làm không hiệu quả.

Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Đồng chí cho biết: Thành ủy Hà Nội có 9 chương trình trọng tâm công tác toàn khóa, trong đó Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, và làng nghề là một trong những nội dung quan trọng để phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống người nông dân. Thông qua khảo sát lần này sẽ giúp cho TP nắm rõ hơn về việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư về việc phát triển làng nghề của huyện Hoài Đức nói riêng và trên địa bàn TP nói chung, từ đó thấy được những khó khăn, vướng mắc để có thể điều chỉnh kịp thời.