Tăng lương cho giáo viên

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là mong muốn không chỉ của giáo chức mà còn là nguyện vọng của những người dân có con em đi học.

Bởi, chỉ khi lương đủ sống, giáo viên mới có thể toàn tâm, toàn ý cho việc dạy học. Việc “tôn sư trọng đạo” không thể chỉ bằng lời nói.

Trong buổi thảo luận ở Quốc hội mới đây, đại biểu cũng đã đề xuất, lương giáo viên nên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Đại biểu cũng cho rằng, từ 10 năm qua, giáo viên có lương và thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Chúng tôi còn nhớ, cách nay đã mấy chục năm, khi đất nước khó khăn, các thầy cô giáo sống tuy kham khổ nhưng vì có lương nên vẫn ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung. Giáo viên có lương, có sổ gạo… nên vẫn toàn tâm, toàn ý trong giảng dạy.

Thế nhưng, dần dần lũ trẻ chúng tôi thấy giáo viên về kinh tế ngày càng tụt hậu so với đời sống xã hội. Học sinh bắt đầu thấy những hình ảnh thầy cô tham gia cấy lúa (xã cho mượn ruộng) để có thêm gạo ăn; có thầy cô  buôn bán nhỏ, lấy công làm lời… Chúng tôi lúc đó chỉ thấy thương cho thầy cô mình vất vả.

Thời gian sau nữa là những thầy cô dạy giỏi tham gia dạy luyện thi. Có người giàu lên (so với mặt bằng chung).

Sau nữa, ở những thành phố lớn, thầy cô dạy thêm và có thêm khoản thu nhập tùy theo môn, theo nhu cầu ở những trường lớp khác nhau. Thầy cô dạy thêm, học sinh (và phụ huynh) cũng đuối vì học thêm. Hình ảnh thầy cô với phụ huynh đôi lúc là sự trao đổi sòng phẳng trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, những thầy cô ở nông thôn, miền núi, cuộc sống gần như xưa, mức lương có khá hơn nhưng vẫn chật vật trong cuộc sống. Nhiều người đi làm thêm, từ công việc gia đình đến lao động chân tay…

Người thầy luôn là linh hồn của ngành giáo dục. Không thể cải cách cái gì từ chương trình, sách giáo khoa… nếu như người thầy vẫn chưa được chú trọng từ khâu tuyển chọn, sự đáp ứng về đời sống vật chất và tinh thần.

Riêng về tuyển chọn người vào làm nghề sư phạm, nếu người làm nghề không có mức lương hấp dẫn, người giỏi thi vào trường sư phạm làm gì? Trừ một số học sinh mê nghề giáo do truyền thống gia đình, có lẽ không ai vào nơi sẽ trả công thấp cho mình. Không có người giỏi học sư phạm đương nhiên khó đào tạo được những người thầy giỏi.

Xin nói thêm, các cấp học đều cần thầy giỏi, đặc biệt là ở cấp tiểu học, bởi cấp học này cung cấp kiến thức, phương pháp tư duy cho học sinh ngay những năm đầu.

Chúng ta hiện đang làm ngược lại, chọn giáo viên trình độ theo thứ tự từ thấp đến cao: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Dư luận đang băn khoăn: xây dựng mức lương cao thì có nên cho giáo viên dạy thêm hay không? Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm triệt để, bởi giáo viên khi có lương phù hợp thì không nên dạy thêm nữa.

Tuy nhiên, bước một (tăng lương cho giáo viên) chưa thực hiện, khoan hãy nói bước kế tiếp là cấm giáo viên dạy thêm triệt để.

Đầu tư cho giáo dục, theo chúng tôi, trước hết là đầu tư cho đội ngũ giảng dạy. Chỉ khi đội ngũ giảng dạy đủ năng lực, dành hết thời gian, công sức cho học trò thân yêu, sự nghiệp giáo dục nước nhà mới phát triển bền vững.