Nhà nước bổ sung 3.648 tỷ đồng
Kết thúc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Nghị quyết quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Trước đó, trả lời chất vấn về điều chỉnh lương hưu cho những người về hưu trước năm 1995, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến ban đầu là ngày 1/7/2022 nhưng trước tác động của đại dịch Covid-19, đời sống của những người nghỉ hưu khó khăn, mấy năm nay không được điều chỉnh nên chúng tôi xin với Thủ tướng, Chính phủ cho điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%, với tổng kinh phí 12.650 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng. Những người về hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh lương hưu vẫn thấp hơn 2.500.000 đồng/người thì bổ sung bằng mức 2.500.000 đồng. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện hồ sơ, Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, sau đó tháng 12/2021 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh lương hưu cho những người về hưu trước năm 1995 được chi trả từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên về Nghị quyết của Quốc hội ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Lương hưu nằm trong tổng thể chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Nếu những người về hưu khó khăn và được tách ra để nâng lương sớm là điều tốt; nhưng phải đồng bộ với bước đi của cải cách tiền lương. Vì thế, theo tôi, tăng lương hưu chung; và xử lý cho những đối tượng trước đây bất cập về hệ thống chính sách của các thời kỳ dẫn đến lương hưu thấp thì tăng cho họ ở mức cao hơn một chút.
Chia sẻ về mức đề xuất điều chỉnh lương hưu tăng 7,4%, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Vì hai năm nay không tăng lương hưu, trượt giá của mỗi năm chưa đến 4% (năm 2020 là 3,23%, dự kiến năm 2021 khoảng gần 4%) thì Bộ LĐTB&XH đề xuất mức tăng lương hưu 7,4% có thể bù được trượt giá.
Tăng lương hưu để sức mua hàng hóa được duy trì
Các chuyên gia lao động đều đồng tình với đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu 7,4% cho những người về hưu từ trước năm 1995, thực hiện từ ngày 1/1/2022. “Điều chỉnh tăng lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 là để giải quyết hậu quả của chế độ tiền lương thời bao cấp. Những người có mức lương hưu thấp 2 triệu đồng tăng lên 2,5 triệu đồng là hợp lý, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với họ. Bởi, khi các cụ nghỉ hưu có vài triệu đồng tiền lương hằng tháng thì cũng tồn tại được, mặc dù sống không dư giả” – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội TS Phạm Đình Thành nêu ý kiến.
Theo TS Đình Thành, về mức tăng lương hưu bao nhiêu % do Nhà nước cân đối ngân sách, vì hiện nay còn phải ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, chống dịch. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh mức tăng 7,4% thì chấp nhận được, vì bù được trượt giá của năm 2020, 2021 và để ổn định về mặt chính trị.
Dưới góc nhìn của nhà kinh tế, PGS.TS Giang Thanh Long đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu cho những người về hưu trước năm 1995 (hầu như ở độ tuổi trên 70), thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước về an sinh xã hội. Đối với những người trên 70 tuổi, trước đây 30% thu nhập từ việc làm, 30% từ con cái, còn an sinh xã hội rất thấp. Những người 80 tuổi là đại lão, hầu như họ không làm việc nữa, đồng nghĩa với 30% nguồn thu nhập của mất đi, cho nên điều chỉnh lương hưu cho nhóm về trước 1995 là rất phù hợp. Vì nguồn thu nhập của họ sẽ được bù đắp bằng chính sách an sinh xã hội.
Hơn nữa, trong xu hướng hiện nay, nhiều quốc gia đang đối mặt với khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng, cho nên Chính phủ đang cố gắng điều chỉnh mức giá phù hợp. Và, việc điều chỉnh mức lương hưu tăng lên đồng nghĩa với đảm bảo sức mua hàng hóa của những người cao tuổi duy trì được như cũ.
Về phía những người nghỉ hưu khi đón nhận thông tin điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 đã rất phấn khởi. Bởi thực tế, nhiều người có mức lương thấp, hai năm nay lại dịch bệnh Covid-19 nên cuộc sống càng thêm phần khó khăn. “Tôi về hưu năm 1994, với mức lương hơn 1,9 triệu đồng. Số tiền này, với tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng, tiền sinh hoạt hằng tháng cũng tốn nhiều; trong khi các con thu nhập bấp bênh, dù đã tằn tiện chi tiêu nhưng không đủ. Nếu được điều chỉnh tăng lương hưu lên 2,5 triệu đồng, tôi vui lắm, vì sẽ có thêm chút tiền để chi tiêu hằng ngày. Hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt chính sách này để chúng tôi được thụ hưởng” – bà Nguyễn Thị Lan (quận Thanh Xuân) bộc bạch.