Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương, tăng giá: tìm giải pháp hài hoà

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng việc tăng lương để tăng giá dường như đã là quy luật “bất thành văn”. Vì thế, cần phải có sự quản lý, kiểm soát từ cơ quan chức năng để việc tăng lương không chỉ là trên danh nghĩa.

Tăng giá do tâm lý

Từ ngày 1/7, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đợt tăng lương này mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, công viên chức. Tuy nhiên, hiện tượng giá cả hàng hóa tăng khi lương tăng vẫn xảy ra và cần có giải pháp kiểm soát.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, cơ bản các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá nhẹ, trừ mặt hàng thịt lợn tăng giá mạnh khoảng 20.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ, sườn thăn, nạc vai tăng từ 120.000 lên thành 140.000 đồng/kg. Đối với các loại thịt gà công nghiệp dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg; thịt gà ta từ 120.000 – 140.000 đồng/kg; thịt bò từ 220.000 – 280.000 đồng/kg; trứng từ 25.000 – 40.000 đồng/chục và các loại rau, củ tăng giá nhẹ khoảng 10%…

Người dân mua hàng tại siêu thị.
Người dân mua hàng tại siêu thị.

Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông) than thở: “Chưa biết đợt tăng lương này tôi được nâng lên mức bao nhiêu, nhưng khoảng gần 1 tháng nay chi tiêu của gia đình đã tăng khoảng 20%, khiến cuộc sống càng thêm eo hẹp. Tôi mong các cơ quan quản lý có giải pháp ổn định thị trường để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân”.

Lo lắng của chị Hương cũng là nỗi niềm chung của nhiều người dân mỗi lần tăng lương. Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố cấu thành giá không phụ thuộc vào việc tăng lương. Tuy nhiên, bức tranh giá cả thị trường hiện nay cho thấy ngoài một số nhóm hàng hóa tăng do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, biến động của tỷ giá USD thì rất nhiều mặt hàng tăng giá do yếu tố tâm lý lợi dụng việc tăng lương.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ ra, việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.

Theo tính toán, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, tương đương với lượng tiền 16.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Với số tiền này, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn. Do đó, có thể khẳng định, việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều tới việc tăng giá sản phẩm, mà đây là do tâm lý, nhiều người bán hàng lợi dụng để “tát nước theo mưa”. “Tâm lý của người dân khi lương tăng nhưng giá phải ổn định thì mới có ý nghĩa. Người lao động không cần lương danh nghĩa mà cần lương thực tế, tức là giá cả ổn định” – chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Ổn định nguồn cung hàng hóa

Để kiểm soát giá cả sau khi lương tăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp cụ thể để kiểm soát giá cả hàng hóa để không làm mất ý nghĩa tăng lương. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Đưa ra giải pháp kiểm soát giá cả sau tăng lương, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) khuyến, đối với Nhà nước, cần xây dựng nguồn dự trữ hàng hóa nhất là hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, chi phí khám chữa bênh, thuốc chữa bệnh, giá điện... ổn định, quy mô lớn, chuỗi ung ứng bền vững. Lựa chọn thị trường nhập khẩu có giá cạnh tranh cao nhất từ các đối tác của các hiệp định thương mại tự do nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Trung tâm WTO và Hội nhập).

Chi phí hàng nhập khẩu để tối thiểu cần giảm sâu chi phí logistics, giảm thiểu thâm chí loại bỏ chi phí phi chính thức, áp dụng các nền tảng thương mại điện từ trực tuyến để giảm sâu các loại chi phí và thời gian cung ứng. Sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Coi trọng ổn định tỷ giá hối đoái và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài để tăng cường lượng hàng hóa được sản xuất trong nước bằng nguồn vốn và công nghệ nước ngoài nhằm tăng cung ứng hàng hóa chất lượng cao. giá cả cạnh tranh, đáp ứng kịp thời nhu cầu tại chỗ.

Đối với doanh nghiệp, khi khu vực công tăng lương, để ổn định giá cả cần tích cực, chủ động ủng hộ chính sách của Chính phủ thông qua các sáng kiến hoặc giải pháp tiết kiệm chi phí như đẩy mạnh số hóa và chuyển đổi số để tận dụng các nền tảng điện từ trực tuyến nhằm tiết giảm chi phí, thời gian, hành chính, chi phí phi chính thức, theo đó cần mạnh dạn giảm giá bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ hay tăng sức cạnh tranh về giá cùng với cải thiện chất lượng.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng thị phần và tạo được lợi thế theo quy mô. Doanh nghiệp cũng có thể coi đây là cơ hội để thu hút nhân lực tài năng từ khu vực công thông qua tiếp nhận toàn bộ thời gian hoặc hợp đồng thuê ngoài phù hợp với chi phí lao động không quá cao. Đồng thời, doanh nghiệp cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn, sử dụng các nền tảng quản trị trực tuyến để tiết kiệm chi phí, khai thác các ứng dụng, kể cả sử dung trí tuệ nhân tạo hoặc các ứng dụng thực tế ảo tăng cường, học máy để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và cải thiện thương hiệu.

Đối với công chúng, cần ổn định tâm lý, không chạy theo tâm lý đám đông, không tự gây ra làn sóng đô xô mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ồ ạt khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ, đầu cơ, lũng đoạn giá và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững. Người tiêu dùng cần nhân thức sâu sắc quyền lợi và nghĩa vụ theo luật phá để bảo vệ thỏa đáng.

Do đó, cần nhân thức và hiểu biết đầy đủ về quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, không tiếp tay hay che dấu cho các hành vi trục lợi, đầu cơ, hành phi gây bất ổn giá. Cần chủ động, tích cực, tự giác theo dõi, phát giác các hành vi đầu cơ, trực lợi, lũng đoạn giá trong giai đoạn áp dụng chính sách tiền lương mới để góp phần vào công tác ổn định giá. Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoặc làm việc phi chính thức có thể coi đây là cơ hội để đề xuất cải thiện mức lương phi chính thức nhưng cần coi trọng phương châm không gây xáo trộn lớn trong nền kinh tế nhất là biến động chỉ số CPI.