Đây là câu hỏi của anh Nguyễn Trần Quang Minh – Phó Chủ tịch Công đoàn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội gửi tới chuyên gia tại buổi Đối thoại – giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức ngày 16/4.
Với câu hỏi trên, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP Hà Nội Vũ Minh Huyền phản hồi: Đối với lãnh đạo thì sẽ tăng lương theo nhiệm kỳ bổ nhiệm. Đối với viên chức không ở vị trí lãnh đạo, việc tăng lương sẽ khác nhau giữa các vị trí việc làm.
Khi chúng ta thực hiện chế độ tiền lương mới, sẽ có lương phải trả và các phụ cấp kèm theo, cộng với khoản tiền thưởng. Thực tế, việc nâng lương trước thời hạn bản chất chính là khoản tiền thưởng này.
Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest Luật sư Phạm Ngọc Minh bổ sung: Những người cùng thâm niên sẽ có mức lương như nhau. Trong việc cải cách tiền lương sẽ có nguyên tắc cơ bản: thâm niên, vị trí, thành tích. Tuy nhiên, hiện nay có những DN khi xây dựng chính sách tiền lương đã dựa trên nguyên tắc này để đưa ra cơ chế phù hợp với DN.
Cũng quan tâm đến thực hiện chính sách tiền lương, chị Lê Mỹ Hương – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hàng Đào nhờ chuyên gia trả lời cho câu hỏi: Hiện nay tôi làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường có mức lương bao gồm cả phụ cấp là hơn 10 triệu đồng. Vậy tới đây thực hiện chính sách tiền lương mới, tôi sẽ được hưởng mức lương như thế nào?
Về câu hỏi này, chuyên gia Vũ Minh Huyền trả lời: Đối với trưởng các đoàn thể tại phường, cụ thể là 175 phường của Hà Nội đang thực hiện chế độ lương theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị, chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ được quy định là cán bộ cấp xã.
Mức lương chức danh cán bộ cấp xã (trừ Bí thư, Phó Bí thư), theo bảng lương mới, chị Hương sẽ được hưởng mức lương bằng hoặc cao hơn mức hiện hưởng. 5 năm sau khi bầu hoặc bổ nhiệm lại sẽ tiếp tục được nâng lên mức mới.