Hà Nội: Thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng 95 nhà Đại đoàn kết
Kinhtedothi-Chiều nay, 19/5, thông tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố Hà Nội cho biết, năm 2025, Thành phố sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng 95 nhà Đại đoàn kết cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 10 huyện.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp Thành phố đã nhận được sự quan tâm, tin tưởng ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn. Từ nguồn quỹ vận động được, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài Thủ đô.
Đặc biệt, năm 2024, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và UBND Thành phố đã ký kế hoạch liên tịch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Trong năm, tổng số đã có 712 hộ nghèo, hộ cận nghèo hoàn thành việc xây, sửa nhà ở. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của 2 cấp huyện và xã cũng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 691 nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch xóa nhà xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tính đến tháng 10/2024, Thành phố Hà Nội đã về đích, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao quà chúc mừng gia đình bà Phạm Thị Bổng - hội viên Hội Cựu chiến binh ở thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết
Với mong muốn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, chung tay cùng các cấp, các ngành giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội của Thành phố; hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng thời, thực hiện Chương trình số 08 “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 51/KH-MTTQ-BTT ngày 26/02/2025 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố về việc triển khai vận động Quỹ “Vì người nghèo” năm 2025;
Đặc biệt, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô năm 2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Năm 2025, nhằm tiếp tục quan tâm hỗ trợ đến các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thủ đô, nhất là quan tâm đến nơi ăn, chốn ở, giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn an cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã xây dựng kế hoạch vận động, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” trên địa bàn Thành phố.
Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng 95 nhà Đại đoàn kết cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 10 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Đan Phượng. Trong đó Quỹ “Vì người nghèo” cấp Thành phố trích 4,75 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi nhà 50 triệu đồng.
Dự kiến thời gian tiến độ xây dựng 95 nhà Đại đoàn kết hoàn thành trước tháng 10/2025, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội của Thành phố.

Hà Nội khen thưởng 100 cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2025
Kinhtedothi - Đây là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, thương mại, môi trường đô thị, thực phẩm, điện - điện tử, cơ khí, cao su, dược phẩm, khách sạn, dịch vụ...

MTTQ TP Hà Nội góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: cụ thể hóa, bổ sung quyền của Mặt trận
Kinhtedothi - Theo các ý kiến, để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, cần cụ thể hóa các quyền của MTTQ và bổ sung một số quyền, bởi Mặt trận là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ Nhân dân và các tầng lớp xã hội.

Thống nhất cách viết về các tổ chức thành viên “trực thuộc” Mặt trận, tránh nhầm lẫn
Kinhtedothi-Các ý kiến cho rằng, nội dung “các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” khá tương đồng với nội dung sửa đổi tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; nếu Hiến pháp được sửa đổi, nội dung này cần thống nhất hoàn toàn về nội dung, cách viết để tránh nhầm lẫn.