MTTQ TP Hà Nội góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: cụ thể hóa, bổ sung quyền của Mặt trận
Kinhtedothi - Theo các ý kiến, để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, cần cụ thể hóa các quyền của MTTQ và bổ sung một số quyền, bởi Mặt trận là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ Nhân dân và các tầng lớp xã hội.
Hôm nay, 16/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì.
Tại hội nghị, hầu hết đại biểu đồng tình với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, để Hiến pháp có chất lượng hơn, các đại biểu đã tập trung góp ý về bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày dự thảo Nghị quyết; nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều 9, 10; khoản 1, Điều 84; Điều 110; khoản 2, Điều 111; khoản 2, Điều 112; khoản 1, Điều 114; khoản 2, Điều 115 và các kiến nghị, đề xuất khác.
Đáng chú ý, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kiến nghị, để MTTQ Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, cần cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam, như: quyền trình dự án trước Quốc hội, quyền trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Mặt trận là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ Nhân dân và các tầng lớp xã hội.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức
“Đặc biệt, cần bổ sung các quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận internet, quyền bảo vệ biển đảo, quyền tài phán đối với các vùng biển đảo theo luật pháp quốc tế” - bà Bùi Thị An đề xuất.
Bà Lê Thanh Hiếu - Trưởng ban Tư vấn giám định và phản biện xã hội (Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội) kiến nghị bổ sung thêm từ “Tư vấn” vào thành cụm từ “Tư vấn, giám sát và phản biện xã hội” trong Điều 9, bởi Liên hiệp các hội KH&KT là thành viên của MTTQ, trong đó có rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực.
Cũng đồng tình với dự thảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Nguyễn Huy Khánh nhận định, việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 về Công đoàn Việt Nam không chỉ tái khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam mà còn bổ sung một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn.

Song, ông Nguyễn Huy Khánh đề nghị cân nhắc không lặp lại cụm từ “trực thuộc MTTQ Việt Nam", do nội dung này đã được thể hiện trong Điều 9, hơn nữa Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác đều "trực thuộc MTTQ Việt Nam”.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương ghi nhận các ý kiến đóng góp rất toàn diện, trong đó tập trung nhiều vào nội dung liên quan trực tiếp đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Các ý kiến đã làm rõ, phân tích kỹ những nội dung liên quan quyền và trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên như trong các Điều 9, 10, 84 của Hiến pháp. Cơ bản các ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo sẽ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung và tiếp tục khẳng định vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị, củng cố vai trò về phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Từ đó, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục triển khai sâu, rộng, thực chất và đa dạng hóa hình thức lấy ý kiến của Nhân dân. Các tổ chức thành viên của MTTQ cần coi trọng công tác truyền thông chính sách, truyền thông pháp luật, không để sót bất cứ nhóm đối tượng, thành phần nào, để lắng nghe ý kiến đóng góp vào Dự thảo. Mục tiêu là người dân được nghiên cứu, tham gia ý kiến và MTTQ có trách nhiệm lắng nghe, tổng hợp đầy đủ ý kiến của Nhân dân.
Ngoài tổ chức hội nghị, cần tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến tích cực trên các nền tảng số. Các báo cáo tổng hợp ý kiến của MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã, tổ chức thành viên phải được tập hợp và gửi về MTTQ Việt Nam TP đầy đủ, đúng hạn; trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam TP sẽ tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền.

Lãnh đạo TP Hà Nội trao huy hiệu Đảng tặng đảng viên lão thành quận Hai Bà Trưng
Kinhtedothi- Tại lễ trao huy hiệu Đảng, thông tin những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP Hà Nội từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định, đóng góp vào những kết quả chung đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã rất nỗ lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao

Hà Nội thực hiện sắp xếp tổ chức Mặt trận Tổ quốc: cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Kinhtedothi-“Không chỉ thay đổi về đầu mối, thẩm quyền trực thuộc hoặc chỉ đạo, mà còn thể hiện tinh thần là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nên chúng ta không thể không bàn đến mô hình Mặt trận tới đây thế nào, các ban dùng chung hay các ban chuyên môn của từng đoàn thể ra sao... - cần nhất quán định hướng như vậy”- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội nêu rõ

Sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 2013 là rất kịp thời và cần thiết trong thời điểm hiện nay
Kinhtedothi-Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam mong muốn trên cơ sở những góp ý tại Hội nghị, những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp trong điều kiện hiện nay.