Cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip
Bộ Công an bắt đầu cấp hộ chiếu mẫu mới từ ngày 1/7, theo Thông tư số 73 về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành. Trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hộ chiếu gắn chip được in thêm biểu tượng chip điện tử, gắn trong bìa sau.
Thông tư quy định hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ; loại công vụ trang bìa màu xanh lá cây đậm; loại phổ thông có màu xanh tím. Người có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để giải quyết.
Khi người dân đi làm thủ tục cần chuẩn bị ảnh chân dung, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú. Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 1/1/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Công dân từ đủ 14 tuổi có quyền được làm hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip điện tử. Hộ chiếu có giá trị sử dụng trong 10 năm.
Tăng mức phạt vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Nghị định 37/2022 có hiệu lực từ 22/7, sửa đổi Nghị định 120/2013 quy định điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Nghị định nêu rõ phạt tiền 10-12 triệu đồng nếu công dân không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. Mức phạt cũ là 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
Ngoài ra, nghị định tăng mức phạt từ 2-4 lên 15-20 triệu đồng cho các hành vi: Gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền 12-15 triệu đồng.
Điều chỉnh mức thu nhiều loại phí, lệ phí
Thông tư 120/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Trong đó, có một số các khoản được giảm như: lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm,…
Cụ thể, các khoản này được giảm từ 10-50% so với quy định trước đó. Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2022, các khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định.
Tăng mức lương tối thiểu theo vùng
Từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng. Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Như vậy, người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới như sau:
Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (Hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng); Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.920.000 đồng/tháng); Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.430.000 đồng/tháng); Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng).
Ngoài ra, còn bổ sung quy định về lương tối thiểu vùng theo giờ, cụ thể: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Bỏ hóa đơn giấy, sử dụng hóa đơn điện tử
Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử. Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán,…
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt, từ ngày 1/7, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Quy định mới về cộng điểm ưu tiên
Theo Quy chế tuyển sinh đại học mới nhất được ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Mức điểm ưu tiên được áp dụng như sau: khu vực 1 (KV1) = 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) = 0,5 điểm; khu vực 2 (KV2) = 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) = 0 điểm.
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp…