Tăng năng suất lao động: Chìa khóa cho tăng trưởng bền vững

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực DN chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) tại DN sẽ góp phần nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, lời giải cho bài toán tăng NSLĐ tại các DN Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Còn nhiều rào cản cho đổi mới sáng tạo
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền chia sẻ, biết DN Nhật Bản nhập photpho vàng của Đức Giang để sản xuất axit photphoric bán cho Samsung, Đức Giang đã mang sản phẩm axit photphoric điện tử tới chào hàng.
"Mới đầu tôi ngây thơ, đến Samsung nói chúng tôi có sản phẩm axit photphoric điện tử rồi và mời mua. Nhưng không đơn giản vậy, các công ty Hàn Quốc chủ yếu lấy sản phẩm của công ty Hàn Quốc và nước ngoài. DN Việt rất khó đi vào chuỗi giá trị của họ" - ông Huyền chia sẻ. Hiện nay, nhà máy chế tạo 30.000 tấn axit photphoric nhưng chủ yếu cung cấp cho DN thực phẩm Ấn Độ.
 Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Nhân viên Vinamilk vận hành hệ thống tự động trong sản xuất sữa. Ảnh: Phạm Hùng
Để nâng cao công nghệ, chắc chắn các DN phải mở rộng sản xuất. Không chỉ ông Huyền, bất kỳ ông chủ DN nào cũng muốn có công nghệ cao, nhà máy xanh - sạch - đẹp và không có người nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được.
"Chúng tôi xin một dự án sản xuất xút và chất dẻo với mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng một năm nay chưa có tấc đất cắm dùi. Đi đâu, đến đâu nói hóa chất thì họ cũng sợ" - ông chủ DN hóa chất báo cáo với Thủ tướng tại Hội nghị "Cải thiện NSLĐ” tổ chức ngày 7/8. Theo phân tích của ông Huyền, cả 2 khía cạnh quan trọng tác động tới NSLĐ DN là công nghệ và thể chế DN đều cần thêm hỗ trợ.
Nói về các giải pháp tăng NSLĐ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cũng trăn trở, tăng NSLĐ thì cần nhiều giải pháp, nhưng cái gốc của các vấn đề nằm ở đâu? "Phải tạo môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, công bằng. Phải tạo thể chế để gắn lợi ích người dân đến người quản lý, quốc gia” - ông Phú nhận định.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ, Amazon, Alibaba là những DN tận dụng CMCN 4.0, phát triển thương mại điện tử, đang là những DN lớn nhất thế giới. Do đó, các mô hình kinh doanh mới này cần được khuyến khích phát triển, cụ thể cần ưu tiên thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây, thúc đẩy thương mại điện tử, đẩy nhanh quá trình số hóa. Tại Việt Nam, những mô hình, phương thức kinh doanh mới gắn với cuộc CMCN 4.0… vẫn còn thiếu các thể chế phù hợp.
Tháo gỡ vốn, nguồn nhân lực 
Để cải thiện năng suất, ngoài tập trung vào yếu tố KHCN, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến yếu tố vốn và con người. Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho DN KH&CN, tuy nhiên nhiều DN vẫn gặp khó khi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
DN KH&CN có đặc thù là đầu tư lớn, rủi ro cao, sản phẩm mới không dễ được thị trường đón nhận, trong khi tiềm lực tài chính còn hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN phản ánh, họ tìm đến nhiều nơi như Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ đổi mới KH&CN để vay vốn nhưng đều không tiếp cận được.
“Mong muốn Nhà nước hỗ trợ như có chính sách tiếp cận hỗ trợ vốn vay cho các DN chuyển đổi công nghệ với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có thể xây dựng cơ chế đồng lợi ích giữa Nhà nước và DN, phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các thành phần DN” - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar – Mai Khanh kiến nghị.
Về yếu tố con người, làm sao để phát huy tối đa năng lực nhân viên? Việt Nam có rất nhiều DN tư nhân có tốc độ tăng NSLĐ bình quân đứng đầu khu vực, môi trường lao động cũng xếp hàng đầu như Vingroup, Vietjet hay Thế giới di động. “Môi trường làm việc của 40.000 nhân viên Thế giới di động đang tương đối tốt.
Ngoài môi trường làm việc phải có cả yếu tố tài chính nữa. Một người đi làm thứ 1 là vì tiền, thứ 2 là vì niềm vui. Nếu kết hợp được 2 điều này thì sẽ có đội ngũ nhân sự ngon lành và nước sẽ đổ về chỗ trũng” - Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
“Phải lấy DN làm trung tâm trong mọi chính sách”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm nội địa (GDP). Vì vậy, NSLĐ DN là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Số liệu thống kê NSLĐ của Tổng Cục thống kê cho thấy, DN Nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung của cả nước, là khu vực có NSLĐ cao nhất. Tuy nhiên, NSLĐ của khu vực này đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.
Tiếp đến, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần mức NSLĐ chung của cả nước. So với các loại hình DN khác, NSLĐ của DN ngoài Nhà nước đạt thấp nhất 228,4 triệu đồng/lao động và khoảng cách đang ngày càng nới rộng.
Nguyên nhân chủ yếu là do DN ngoài Nhà nước phần lớn là DN có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các DN FDI dẫn dắt, không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chiếm tới 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, khu vực DN vừa và nhỏ (VVN) rất quan trọng bởi có lực lượng lao động lớn nhất trong nền kinh tế nên phát triển DNVVN và nâng cao năng suất trong khu vực này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao NSLĐ quốc gia.
Ông Kazuteru Kuroda - Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu trực thuộc JPC chia sẻ, ở Nhật, trên 90% DN vẫn là DNNVV. Các DNNVV Nhật cũng gặp những thách thức chung của các DNNVV trong khu vực châu Á như: Ít vốn, năng lực công nghệ hạn chế.
Chính phủ Nhật Bản đã có những hỗ trợ cụ thể như tài trợ ngân sách đào tạo, tư vấn để JPC tham gia vào tư vấn cho các DNNVV đo lường hiệu quả, cải thiện năng suất, nâng cao năng lực hoạt động. Có những DN rất nhỏ, chỉ có khoảng 10 nhân viên nhưng vẫn tiếp nhận chương trình cải tiến năng suất và có sự chuyển biến trong hoạt động.
Ngay cả Singapore, quốc gia có chỉ số năng suất cao nhưng do ngành bán lẻ và dịch vụ ăn uống đang có năng suất thấp, năm 2013 Singapore đã mời JPC tham gia dự án kéo dài trong 3 năm nhằm giúp nâng cao năng suất trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ ăn uống của nước này.
Chìa khóa thành công trong việc vươn lên đứng đầu trong những quốc gia về sáng tạo và đổi mới của Israel, được đại sứ nước này chia sẻ với báo giới Việt Nam là tư duy dám nghĩ, dám làm và dám thất bại. Ý tưởng là rất tốt, nhưng chưa thể đủ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những ý tưởng đó, biến chúng thành thực tế. Vai trò của Chính phủ là rất quan trọng, để có thế biến những ý tưởng này thành hiện thực.
Tại Hội nghị về nâng cao NSLĐ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để thúc đẩy tăng NSLĐ, đầu tiên là phải cải cách thể chế để khắc phục “nút thắt”. Theo đó, mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đổi mới phương thức thu hút FDI, tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN nội địa. Đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động… Bài toán tăng nhanh NSLĐ được đặt ra phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn.

"Những chiến lược như DN tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là rất phù hợp để nâng cao năng suất trong thời gian tới. Nếu tham gia được vào các chuỗi cung cấp một cách ổn định thì lúc đó, DN mới có điều kiện để cải tiến năng suất. " -