KTĐT - Đúng như đánh giá của Hiệp hội các Nhà đầu tư Bất động sản quốc tế (AFIRE), Việt Nam là một trong năm thị trường mới nổi hàng đầu cho đầu tư bất động sản (BĐS) năm 2011, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, và Mexico. Năm 2011, nguồn cung của cả hai phân khúc mặt bằng bán lẻ và khách sạn trên thị trường BĐS đều tăng, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội. Tương tựnhư phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư, thì các chủ đầu tư trong phân khúc này cũng phải có chiến lược mới, nhằm "kéo" khách thuê về phía mình.
Diện mạo mới của phân khúc mặt bằng bán lẻ
Khép lại năm 2010, nhiều thương hiệu bán lẻ có uy tín trong nước và thương hiệu nhượng quyền tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Hà Nội. Các thương hiệu cao cấp như Aldo, Dr. Martens, Guciano, Chopard chọn những vị trí trung tâm để mở thêm cửa hàng thứ hai và thứ ba tại thành phố. Trong khi đó một loạt các chuỗi siêu thị điện máy nhanh chóng thiết lập thêm nhiều điểm kinh doanh:
Cả 3 tháng cuối năm 2010, tại phân khúc thị trường mặt bằng bán lẻ của Hà Nội không có thêm trung tâm thương mại (TTTM) nào mới đi vào hoạt động, nên tổng cung diện tích bán lẻ vẫn ổn định ở mức 118.500m2. Tuy vậy, thị trường chứng kiến khá nhiều chuyển biến sôi động. Phần diện tích cho thuê dài hạn tại TTTM Hàng Da Galleria đã được cho thuê hết. Chủ đầu tư bắt đầu triển khai cho thuê ngắn hạn. Còn dự án Pico Mall trên phố Tây Sơn thì dự kiến mở cửa trong tháng 3/2011.
Có thể thấy, trong khu vực trung tâm thành phố, các trung tâm thương mại không còn diện tích trống, nhưng giá thuê không biến động. Ngoài khu trung tâm, tỷ lệ trống tăng nhẹ so với quý trước, chủ yếu là do một số khách thuê rời khỏi một dự án nằm trên đường Trần Duy Hưng. Chủ đầu tư trung tâm thương mại này phải áp dụng nhiều biện pháp để giữ chân khách thuê, một trong số đó là chính sách giảm giá thuê trong thời gian đầu. Điều này khiến giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm giảm 3,8%.
Theo dự báo của một số công ty quản lý bất động sản, năm 2011, phân khúc thị trường mặt bằng bán lẻ sẽ đón nhận nguồn cung bổ sung lớn từ các dự án: Pico Mall (30.000m2), Hàng Da Galleria (9.310m2), Savico Plaza (52.000m2), Keangnam Hanoi Landmark Tower (97.000m2). "Năm 2011 dự báo sẽ tiếp tục là một năm thịnh vượng của thị trường bán lẻ. Giá thuê tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm dự kiến tăng. Mô hình cửa hàng mặt phố được cải tạo cũng sẽ tiếp tục thu hút nhu cầu và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm thương mại" - ông Richard Leech - Giám đốc Điềuhành CBRE Việt
Các chuyên gia cũng nhận định rằng, những trung tâm thương mại mới ngoài khu vực trung tâm sẽ giúp hình thành nên diện mạo mới của phân khúc mặt bằng bán lẻ trên thị trường BĐS tại các khu vực phía Tây. Thêm nhiều thương hiệu và dịch vụ sẽ xuất hiện, tạo cơ hội cho người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng sẽ đáp ứng các nhu cầu của khách thuê cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá hơn.
Nhiều khách sạn cao cấp gia nhập thị trường
Năm 2010, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, Hà Nội đón 8,62 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,5% so với năm ngoái. Chỉ tính riêng lượt khách quốc tế, Hà Nội đã đóng góp tới 24% tổng lượt khách quốc tế tới cả nước, tương đương 1,23 triệu lượt, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượng phòng khách sạn 3 - 5 sao của Hà Nội đạt 6.618 phòng. Trong quý 4/2010, khách sạn mới gia nhập thị trường là Silk Path tại phố Hàng Bông (106 phòng), vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao sau 9 tháng hoạt động. Khách sạn Grand Plaza Hanoi, đường Trần Duy Hưng, 300 phòng đi vào hoạt động trên tổng số 618 phòng, đã được công nhận là khách sạn 5 sao.
Tiếp tục xu thế hồi phục, công suất và doanh thu phòng trung bình (RevPAR) trên tất cả các phân khúc đều tăng trưởng. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao ghi nhận mức tăng trưởng RevPAR cao nhất, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2009, lên 85,5 USD/phòng. Các khách sạn 4 sao lại dẫn đầu về tăng trưởng công suất phòng, lên hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2009, đạt 64,55%. Giá phòng trung bình tại các khách sạn 5 sao tăng nhẹ xấp xỉ 1% so với quý 4/2009. Trong khi đó, giá phòng trung bình tại khách sạn 4 sao và 3 sao đều ghi nhận sự sụt giảm, lần lượt xấp xỉ 10% và 7%.
Năm 2011, phân khúc thị trường khách sạn sẽ đón nhận thêm gần 1.200 phòng từ 5 khách sạn mới, trong đó có 2 khách sạn trong khu trung tâm (Oriental Pearl và Hotel de L'Opera Hanoi) và 3 khách sạn ở khu vực phía Tây (Crowne Plaza West Hanoi, Grand Plaza Hanoi, và Keangnam Hanoi Landmark Tower). Năm 2011 sẽ là mốc quan trọng đánh dấu xu hướng khách sạn cao cấp gia nhập thị trường tại khu vực phía Tây mới phát triển.
Đại diện CBRE VN nhận định, các khách sạn trên sẽ phải trải qua thời gian thử thách trong ít nhất là 2, 3 năm sau khi đi vào hoạt động. Cùng với "làn sóng" các dự án mới nằm về phía Tây thành phố, thị trường hình thành hai phân khúc rõ rệt hơn: trong đó, đối tượng khách thương gia sẽ lựa chọn các khách sạn mới tại khu vực phía Tây và khách du lịch sẽ lựa chọn khách sạn trong khu vực Hoàn Kiếm. Động thái này có thể khiến các khách sạn đang hoạt động phải nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ để phù hợp hơn với từng đối tượng khách hàng.