Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non, tiểu học: Cần thiết và cấp thiết

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học thêm 5% là thông tin được đông đảo dư luận quan tâm những ngày qua.

Một giờ học cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Ảnh Thanh Tùng.
Một giờ học cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Ảnh Thanh Tùng.

Trước những lao động vất vả mang tính đặc thù của giáo viên mầm non, tiểu học, xã hội mong rằng, đề xuất này của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ sớm được phê duyệt và thực thi.

Rơi lệ vì nhận lương

Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề được tuyển dụng vào các trường công lập muộn nên lương của không ít giáo viên rất thấp so với tuổi đời, tuổi nghề. Cô Nguyễn Thị Hoài, trú tại huyện Mê Linh từng có 7 năm làm giáo viên mầm non tư thục với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng. Khi đỗ viên chức và chuyển sang trường mầm non công lập, cô Hoài lĩnh mức lương thử việc 2,1 triệu đồng/tháng (sau khi trừ bảo hiểm).

“Nhận lương xong, tôi bật khóc. Và ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là xin nghỉ việc. Dù có con nhỏ nhưng với đặc thù công việc, tôi ra khỏi nhà từ 6 giờ 30 sáng và 7 giờ tối mới tạm xong nhiệm vụ, từ trường trở về nhà. Công sức học hành 3 năm mới có tấm bằng Cao đẳng sư phạm, đã từng gắn bó với ngành mầm non 7 năm, tôi khó lòng kiên trì khi với mức lương hơn 2 triệu vì không thể đủ trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống…”- cô Hoài tâm sự.

 

Từ đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân 100 người thì một người ra khỏi ngành, chủ yếu ở khối mầm non, tiểu học. Đáng lưu ý, trong số đó có rất nhiều giáo viên chuyển sang làm công nhân hoặc các công việc mang tính thời vụ, phần vì thu nhập cao hơn, phần vì quá mệt mỏi với áp lực nghề trong khi đồng lương chưa tương xứng.

Câu chuyện khó tuyển được sinh viên sư phạm mới ra trường tại Trường Mầm non Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cũng được giải thích là vì lương giáo viên mầm non khởi điểm chỉ khoảng 3 triệu đồng và không có lương tăng thêm. “Với mức thu nhập thấp như vậy, rất khó để tuyển dụng được giáo viên mới, thậm chí có giáo viên cũ của trường còn xin nghỉ việc để đi làm công việc khác có thu nhập cao hơn” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Trung Yên Trần Thị Hường cho biết. Theo đó, dù tha thiết đi tuyển dụng ở nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo ngành sư phạm nhưng Trường Mầm non Nam Trung Yên vẫn thiếu từ 6 - 8 nhân sự mới có thể đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ.

Về vấn đề này, nhà giáo Vũ Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hà Đông) chia sẻ: hiện giáo viên tiểu học tại nội đô Hà Nội đang được hưởng 35% phụ cấp đứng lớp. Ngoài ra, mức lương của giáo viên sẽ được tăng nếu có thâm niên hoặc làm các nhiệm vụ quản lý, tổ trưởng chuyên môn.

Lương một giáo viên học đại học mới ra trường, đang trong thời gian tập sự tổng là 3,6 triệu đồng/tháng; tổng lương sau khi hết tập sự là 4,3 triệu đồng/tháng. Lương một giáo viên tiểu học sắp nghỉ hưu, sau vài chục năm công tác được lĩnh tổng là hơn 11 triệu đồng/tháng.

“Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hầu hết giáo viên dạy 2 buổi/ngày, ngoài ra còn phải chấm chữa bài, soạn giáo án đến đêm khuya. Thời gian, công sức của các thầy cô bỏ ra nhiều hơn trước. Không những vậy, các thầy cô phải tham gia nhiều khóa tập huấn, nhiều lớp bổ trợ và tự bổ trợ, tự học hỏi để bắt nhịp với yêu cầu của chương trình mới, áp lực công việc theo đó cũng tăng lên rất nhiều lần…” - nhà giáo Vũ Kim Loan bày tỏ.

Theo nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo cấp mầm non, tiểu học, việc quan tâm đến phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, trong đó có giáo viên mầm non, tiểu học là cần thiết và cần sớm được thực hiện. Chỉ khi nhận về đồng lương xứng đáng, đủ chi trả những nhu cầu cơ bản của cuộc sống thì các thầy cô mới yêu, gắn bó và tâm huyết với nghề. Khi đó, đối tượng thụ hưởng không ai khác chính là những đứa trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.

“Mức ưu đãi tăng 10% với giáo viên mầm non, 5% với giáo viên tiểu học tuy chưa cao nhưng rất ý nghĩa và vô cùng đáng quý. Dù chưa chính thức nhưng thông tin này cũng tiếp thêm động lực để giáo viên trẻ có thể cống hiến, gắn bó với nghề” - cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) nêu nguyện vọng.

Tăng là xứng đáng

Tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin: Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tại phiên họp Quốc hội trước đó, Bộ GD&ĐT có đưa ra đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành bàn thảo vấn đề trên. Bộ GD&ĐT nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ, qua đó, hai Bộ đã thống nhất trình lên Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học với mức phụ cấp tương ứng là 10% (mầm non) và 5% (tiểu học).

Phương án này đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến và nếu được thông qua, mức tăng phụ cấp ưu đãi sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023. Mức ưu đãi nghề hiện hành đối với giáo viên mầm non và tiểu học như nhau (từ 35 - 50% tùy địa bàn công tác). Như vậy, kể cả sau khi được tăng phụ cấp thì mức tăng ưu đãi này vẫn thấp hơn rất nhiều so với đề xuất trước đó của Bộ GD&ĐT. Tháng 11/2022, Bộ GD&ĐT đề xuất mức phụ cấp ưu đãi nghề cho mầm non là 100% với vùng khó khăn; 70% với các vùng còn lại (gấp đôi mức hiện hành). Bộ GD&ĐT cho biết, việc nâng phụ cấp ưu đãi nghề nhằm giảm tình trạng thôi việc của giáo viên.

Trước câu hỏi: “Tại sao Bộ GD&ĐT chỉ đề xuất tăng ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học mà chưa đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên các cấp học khác và nhân viên trong trường học?”, chắc hẳn mỗi người đã tự tìm cho mình được câu trả lời. Rằng, dẫu cấp học nào cũng có vất vả riêng nhưng sự vất vả của giáo viên mầm non, tiểu học có tính đặc thù và cần được quan tâm trước hết. Tăng phụ cấp ưu đãi là cách thức thiết thực để sẻ chia, làm vơi đi gánh nặng cuộc sống, để các thầy cô giáo có thêm động lực gắn bó với nghề.

Muốn biết được giáo viên mầm non, tiểu học vất vả thế nào, hãy nhìn vào những đứa con, đứa cháu của mình trong những buổi đầu đến lớp. Khi đó, các con còn chưa biết cầm thìa, chưa biết đi vệ sinh; còn quấy khóc, giãy giụa khi xa vòng tay mẹ. Rồi những năm đầu tiểu học, bút con chưa biết cầm, nét chữ con chưa biết viết, kỷ luật con chưa được rèn… Giáo viên mầm non, tiểu học là người mẹ hiền, bằng tình yêu thương và trách nhiệm đã dạy trẻ những kiến thức và những bài học đạo đức đầu tiên, giúp các con có nền tảng để vững vàng và trưởng thành ở các cấp học sau này.

Không ai có thể phủ nhận được nỗi vất vả, sức lao động cống hiến, bền bỉ của các giáo viên cấp mầm non, tiểu học. Do đó, việc tri ân với giáo viên hai cấp học này bằng việc tăng phụ cấp ưu đãi là xứng đáng.

 

Theo quy định hiện nay, giáo viên mầm non hưởng lương từ 3,1 - 9,5 triệu đồng/tháng. Mức này với giáo viên tiểu học là 3,4 - 10,1 triệu đồng/tháng. Từ 1/7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, lương giáo viên mầm non, tiểu học dao động từ 3,8 - 12,2 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, giáo viên hưởng thêm phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), phụ cấp ưu đãi nghề như đề cập ở trên.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm công tác đạt 4,5 - 4,7 triệu đồng, gồm phụ cấp và thâm niên. Với người mới tuyển, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2 - 3 năm đầu. Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng nhưng số lượng không nhiều. Nếu mức tăng phụ cấp ưu đãi được thông qua, lương giáo viên mầm non, tiểu học tăng thêm 360.000 - 440.000 đồng/tháng.