Tăng sức cạnh tranh cho các làng nghề từ đổi mới công nghệ

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu vẫn là thủ công, máy móc thiết bị chắp vá đã khiến hầu hết các làng nghề tại Hà Nội khó cạnh tranh sản phẩm khi năng suất thấp, sản phẩm thiếu đồng bộ, giá cả chưa hấp dẫn.

Không chỉ thế, công nghệ lạc hậu còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

70% làng nghề có công nghệ lạc hậu

Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số làng nghề, với 1.350 làng có nghề với khoảng hơn 40.000 DN, cơ sở sản xuất CNNT đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng trên 300.000 người và trên 600.000 lao động làm việc thời vụ. Với những đóng góp đó, làng nghề vẫn luôn được xác định là một trong những mũi nhọn của kinh tế nông thôn.
Các nghệ nhân làng nghề mây tre đan ở Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt
Các nghệ nhân làng nghề mây tre đan ở Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài một số làng nghề có số lượng DN xuất khẩu lớn, được đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ ở mức chấp nhận được như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, một số làng nghề sản xuất mộc, mây tre đan, mỹ nghệ, đúc đồng... thì hầu hết các làng nghề truyền thống vẫn hoạt động với quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, công nghệ lạc hậu, thiết bị chắp vá, chủ yếu vẫn làm thủ công... Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, hiện các hộ sản xuất kinh doanh ở các làng nghề vẫn sản xuất thủ công là chủ yếu, có trên 70% số làng nghề sử dụng các công nghệ thiết bị thủ công truyền thống hoặc cải tiến một phần, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ cơ khí hóa thấp, thiết bị công cụ sản xuất chưa được đổi mới so với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyên nhân là do các làng nghề vẫn chủ yếu tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ mang tính chất hộ gia đình, vốn đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn, phần lớn các hộ sử dụng một phần nhà ở để làm nơi sản xuất nên thiếu mặt bằng, gây khó cho đầu tư máy móc... Điều này khiến nhiều làng nghề không thể cạnh tranh, chấp nhận việc gia công cho các DN trong nước và nước ngoài, không chỉ dẫn đến lợi nhuận thấp mà còn đứng trước nguy cơ mai một nghề, mất nghề.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã xác định việc hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ làng nghề là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác khuyến công của TP. Từ năm 2009 đến nay, TP đã tiến hành hỗ trợ trên 70 DN đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Qua đó, không chỉ giúp DN được hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo động lực cho nhiều DN, cơ sở sản xuất đầu tư vào máy móc, thiết bị.

Khích lệ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị

Riêng năm 2016, Chương trình khuyến công TP sẽ hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị vào sản xuất với kinh phí là 2 tỷ đồng. Một trong số đó là HTX tiểu thủ công nghiệp thương mại tổng hợp dịch vụ làng nghề Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội), được hỗ trợ đầu tư máy công nghệ cao (CNC) điêu khắc tượng gỗ tự động 4 và 8 đầu đục. Theo Chủ nhiệm HTX, nghệ nhân Nguyễn Văn Long, máy CNC này có mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng, sẽ ưu việt hơn thế hệ máy cũ rất nhiều: “Trước đây khi sử dụng máy cũ, luôn phải có một thợ cầm máy để đục các chi tiết của sản phẩm. Đối với máy CNC chỉ cần bấm nút là máy sẽ làm tự động hoàn toàn, giúp giảm nhân lực, tăng năng suất, tăng tính đồng bộ sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh”. Anh Long cũng cho biết, hiện số lao động làm trong HTX khoảng trên dưới 30 thợ, nhưng nếu đầu tư máy CNC, dự tính sẽ phải thuê thêm lao động để đáp ứng việc hoàn thiện sản phẩm, vì năng suất làm việc của máy cao hơn nhiều lần máy bán tự động trước đây.
Lụa Vạn Phúc. Ảnh: Thanh Hải
Lụa Vạn Phúc. Ảnh: Thanh Hải
Được biết, tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh có đến 85% số hộ dân làm gỗ, vấn đề đổi mới công nghệ đặt ra khá bức thiết. Đa phần các hộ dân vẫn sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp, tốn nhân lực. Tuy nhiên, do thiếu vốn và thiếu diện tích mặt bằng sản xuất nên việc đầu tư máy móc hiện đại rất khó khăn. Theo anh Long, việc được TP hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, không chỉ giảm bớt khó khăn cho DN mà còn có tác dụng khích lệ rất lớn: “Dù có được hỗ trợ hay không thì chúng tôi vẫn phải làm, nhưng được sự quan tâm của TP khiến chúng tôi cảm thấy phấn khích và có động lực để đổi mới công nghệ” - anh Long cho hay.

Đây cũng chính là mục đích của các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ làng nghề mà Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đang thực hiện. Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm, việc hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, còn tạo điều kiện phổ biến các mô hình đầu tư sản xuất sản phẩm mới, tiêu biểu, hiệu quả cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tương tự học tập kinh nghiệm. Đồng thời, việc làm này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm…