Tăng sức chống chịu cho đô thị

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, giải pháp phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị lớn của Việt Nam trong đó có Hà Nội là vô cùng cần thiết.

Khi có một hệ thống hạ tầng “khỏe mạnh”, các đô thị sẽ có sức chống chịu, thích ứng hướng đến phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống.

Chưa dành sự quan tâm đầu tư đúng mức

Trận lụt lịch sử ở TP Đà Nẵng vào ngày 14/10 vừa qua chắc chắn là bài học để các đô thị lớn tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội quan tâm đến việc đầu tư về hạ tầng thiết yếu, nhằm đáp ứng trước biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân. Nguyên nhân của những trận ngập lụt tại nhiều TP trong thời gian qua, ngoài yếu tố mưa lớn do thời tiết cực đoan còn là câu chuyện về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị chưa được quan tâm dành nguồn lực đầu tư tương xứng so với tốc độ phát triển đô thị.

Đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.

Phát triển hạ tầng xanh tại các khu đô thị là vô cùng cần thiết. Ảnh: Lê Việt
Phát triển hạ tầng xanh tại các khu đô thị là vô cùng cần thiết. Ảnh: Lê Việt

Cho đến nay, tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70.000ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị, đây là một con số quá nhỏ. Đất dành cho cây xanh đã eo hẹp, còn dành cho giao thông cũng đang quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%. Mật độ đường giao thông thấp và phân bổ không đều, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 2 – 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định từ 4 - 6km/km2.

Diện tích dành cho giao thông tĩnh cũng thấp, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị. Giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khối lượng vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%.

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, giải pháp phát triển hạ tầng xanh an toàn và bền vững là vô cùng cần thiết đối với các đô thị trong giai đoạn hiện nay, cần được đối xử như một thành phần quan trọng trong quy hoạch đô thị.

Phát triển hạ tầng đô thị xanh là mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải…) và công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn, bền vững.

Hạ tầng xanh không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô, từ nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng, bằng các giải pháp khá đa dạng với những đặc trưng tự nhiên hoặc dưới dạng nhân tạo.

Những không gian xanh này được quy hoạch, liên kết thành một mạng lưới nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang lại lợi ích đa dạng đối với người dân, cộng đồng.

Sớm xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng xanh còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha, nhiều ao hồ đã được san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác…

Cùng đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh. Quỹ đất dành cho tăng tỷ lệ diện tích cây xanh hạn chế. Nhiều công viên, vườn hoa được quản lý hiện nay đều đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ với kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp.

Trong lĩnh vực giao thông, báo cáo cũng chỉ ra việc chưa triển khai đồng bộ Quy hoạch giao thông vận tải và các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân của TP. Việc rà soát, quy hoạch đồng bộ mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bao gồm hệ thống các phương tiện, khu vực hạ tầng bến đỗ, trạm gửi xe cá nhân, khu vực để xe cho thuê… chưa được thực hiện.

Kế hoạch giảm thiểu các phương tiện giao thông cá nhân chưa được thực hiện hiệu quả. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng với tốc độ lớn, gây áp lực đến hạ tầng giao thông. Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị chưa chú trọng đến hạ tầng dành riêng cho loại phương tiện giao thông xanh là xe đạp.

Để duy trì, phát triển hệ thống hạ tầng xanh của TP một cách bền vững, đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị, các chuyên gia đô thị cho rằng, Hà Nội cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính nêu, cần phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh; xây dựng luật về cây xanh đô thị; hạn chế những yếu kém quản lý cây xanh đô thị bằng cách đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị.

Bên cạnh đó, hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, nhất là có sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp…

Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng.

Chung quan điểm, TS Lê Thu Trang - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng cho rằng, trước hết cần xây dựng khung pháp lý về hạ tầng xanh để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng xanh.

Thứ hai, quy hoạch, xây dựng, vận hành và duy trì hạ tầng xanh phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt của cộng đồng dân cư. Sự tham gia và tham vấn của cộng đồng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng các chính sách hạ tầng xanh cụ thể không chỉ phù hợp với mong muốn của người dân mà còn đảm bảo phương hướng phát triển của đô thị và môi trường bền vững.

Mặc dù việc quy hoạch và phát triển hạ tầng xanh phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng lại vô cùng cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, đối với các đô thị lớn, nơi hiện tượng ngập lụt dưới tác động của quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nan giải.

 

Việt Nam hiện có 870 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,5% (tăng gần 10% so với năm 2010). Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân. Do vậy, phát triển hạ tầng xanh, an toàn và bền vững đang là một hướng đi được xem xét, vận dụng vào thực tiễn phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần