Tăng sức lan tỏa vốn FDI

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ có khoảng 14% DN tư nhân có khách hàng là DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF) diễn ra ngày 16/6 không chỉ là nơi để DN đối thoại với Chính phủ, mà còn thiết lập quan hệ hợp tác DN trong nước và nước ngoài.
Thiếu thông tin kết nối
Phó Chủ tịch EuroCham - ông Tomaso Andreatta mặc dù đánh giá cao đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng gia tăng song vẫn cho rằng, nếu Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng hiện đại có thể tham khảo bài học kinh nghiệm của Singapore với vị trí dẫn đầu trong một số ngành hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cho phép tư nhân tự vận hành.

Sản xuất linh kiện cho máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc cho biết, những khó khăn mà công ty Hàn Quốc gặp phải trong việc thắt chặt quan hệ DN Việt Nam là: ngôn ngữ, thiếu thông tin về chính sách đầu tư, để thực hiện chính sách kết nối đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần phải có chính sách mở rộng các kênh để các DN FDI có thể tiếp cận được hàng hóa trung gian từ DN Việt Nam.
Trong khi đó, mong muốn được tham gia hợp tác với các DN Việt Nam, nhóm công tác thị trường vốn đề nghị, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng và ngân hàng. Đồng thời tạo thuận lợi cho các DN, giúp thu hẹp khoảng cách khá lớn giữa tiêu chuẩn của DN trong nước và DN FDI bởi sự chênh lệch này đang gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư và chi phí hoạt động của DN khi thường phải buộc tuân thủ cả hai tiêu chuẩn.
Thêm các chính sách tăng cường liên kết
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tạo mọi điều kiện để khu vực đầu tư trong nước phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. “Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân” là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của Việt Nam. DN tư nhân trong nước hay DN FDI đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế, Chính phủ mong muốn DN FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, năng lực quản trị… sẽ có cam kết và hành động cụ thể để hỗ trợ tăng cường liên kết, hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển.
Để tăng cường liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực đầu tư trong nước, Phó Thủ tướng nêu rõ: Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực nội tại; Từng bước giảm khoảng cách và tăng khả năng hấp thụ, chuyển giao công nghệ của DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách tăng cường liên kết giữa DN trong nước với DN FDI và giữa DN trong nước với nhau như: hình thành khu/cụm công nghiệp chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện cho DN trong nước và DN FDI tham gia liên kết sản xuất, thiết lập mối quan hệ cung cầu. Hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ theo hướng thúc đẩy sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI vào các DN trong nước.
Khẳng định chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gắn việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam sẽ chú trọng thu hút các dự án có quy mô lớn, có khả năng liên kết cao với các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sức lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực trong nước, hiện thực hóa các cơ hội từ các hiệp định đầu tư và thương mại tự do mà Việt Nam đã ký mang lại.
“Với DN FDI, hợp tác với  DN tư nhân trong nước cần được coi như trách nhiệm xã hội đối với nơi mà họ đến đầu tư, đó cũng chính là lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, có được đối tác mạnh thì họ cũng có thể có năng lực cạnh tranh cao hơn” - Chủ tịch VCCI  Vũ Tiến Lộc.

Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham): Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khung pháp lý và thực thi các luật về luật sở hữu trí tuệ, tuy nhiên điều này vẫn còn gây quan ngại các DN châu Âu vào Việt Nam. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện vấn đề môi trường pháp lý, với mức độ bảo hộ quyền sở hữu nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, bởi, các DN nước ngoài luôn cần những nguồn lao động có khả năng làm việc một cách sáng tạo. Việt Nam cần thay đổi phương pháp tiếp cận cũng như tạo cho thanh niên có lối tư duy độc lập để chúng ta có thể sở hữu được nguồn nhân lực tự chủ và sáng tạo. (Hà Phương ghi)
Ông Kim Young Chul – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham): DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng

So với các quốc gia khác trong khu vực, thị trường của các bạn có nhiều lợi thế cạnh tranh như lao động lành nghề trong các lĩnh vực thế mạnh như dệt may, gia giày; chi phí nhân công thấp, các thị trường bất động sản, đất đai và lao động ổn định. Trong 2 - 3 năm tới, có thể xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và cơ sở hoạt động của DN Hàn Quốc từ các quốc gia châu Á khác tới Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Kết quả cuộc khảo sát do KorCham thực hiện vào cuối năm 2016 với các DN Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cho thấy, 46,1% số DN được hỏi cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, 44,7% cho biết sẽ tiếp tục đầu tư ở mức hiện tại và 71% DN hài lòng với hoạt động quản lý kinh doanh tại đây. (Tú Anh ghi)