Thanh tra hơn 8.000 doanh nghiệpTheo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2018, toàn ngành BHXH đã thanh tra chuyên ngành tại 8.007 đơn vị, DN. Qua đó, kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 47.393 lao động đóng thiếu mức quy định. Các đoàn thanh tra đã thu được 1.907 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh kiểm tra. Đặc biệt, qua thanh tra tại các cơ sở khám chữa bệnh đã yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 158,9 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Riêng tại Hà Nội, trong năm 2018, BHXH TP đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra 4.913 cuộc, thu hồi được 581,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm.Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, trong quá trình thanh tra, nhiều đơn vị khi nhận được thông báo đã chủ động nộp đủ số nợ trước khi đoàn thanh tra đến. Đặc biệt, theo ông Thuật, những đoàn thanh tra liên ngành khi có sự vào cuộc của cơ quan công an đã tạo được sức răn đe với nhiều DN. “Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra 100 DN trên địa bàn TP có số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 6 tháng. Trong năm 2019, BHXH Hà Nội dự định thanh tra khoảng 200 đơn vị có số nợ lớn trên địa bàn. Từ đó, hoàn thiện hồ sơ để gửi cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với các đơn vị cố tình chây ì, nợ đọng bảo hiểm” - ông Thuật cho hay.Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, cơ quan BHXH luôn chia sẻ khó khăn với các DN và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, song vẫn phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. “Đây là việc chẳng đừng nhưng là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động trước hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của DN trên địa bàn” - ông Hòa nhấn mạnh.Vẫn còn vướng mắcMặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được ngành BHXH triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua, song công tác này còn gặp nhiều bất cập. Hiện tại, ngành BHXH mới chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, chưa được giao chức năng thanh tra chi trả và hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nên tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ, chính sách chưa được xử lý kịp thời. Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra về chính sách BHXH, BHYT có nơi, có lúc chưa thường xuyên; chất lượng thanh, kiểm tra của các đoàn phối hợp liên ngành còn hạn chế.Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Lan chỉ rõ, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ, dẫn đến một số hành vi vi phạm chưa thể xử lý được. Thẩm quyền của tổ chức BHXH về một số hành vi sai phạm cũng như việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành, chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT chưa đủ sức răn đe, một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, vẫn cố tình nợ đọng kéo dài hoặc trục lợi chính sách BHXH, BHYT.Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan kiến nghị, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH như hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra; tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về BHXH. Trước mắt, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành cần tăng cường phối hợp với các đơn vị như thanh tra ngành lao động, y tế. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ thanh tra.