Tăng thịt, giảm rau: Nguy hại!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của Việt Nam đã giảm, nhưng tỷ lệ trẻ béo phì lại tăng lên nhanh chóng.

Tại hội nghị khoa học "Gánh nặng kép về suy dinh dưỡng ở Việt Nam" do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn kiến nghị, nên dán nhãn công bố lượng calo cho thức ăn chế biến sẵn để người dân nắm được kiến thức về dinh dưỡng.

Ảnh hưởng đến trí tuệ

Đề cập đến tình trạng suy dinh dưỡng, ông Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tại Việt Nam có đến 26% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, 6% trẻ bị béo phì và đang có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng, đây đang là gánh nặng kép về dinh dưỡng. Nguyên nhân do sự thay đổi lối sống và thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh. "Ở các đô thị lớn, phụ huynh thường bồi bổ cho con nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng như sữa công thức, thực phẩm chức năng, sâm nhung, yến, trẻ con cũng khá quen với các loại thức ăn chế biến sẵn. Việc sử dụng thường xuyên thức ăn nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ" - ông Tuyên nhấn mạnh.
Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho các sản phụ tại tỉnh Bình Định.
Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho các sản phụ tại tỉnh Bình Định.
Đối với phụ nữ mang thai, mặc dù ở nhiều vùng đã đạt tỷ lệ 60% đối tượng này được bổ sung viên sắt nhưng một số nơi phụ nữ mang thai, trẻ em vẫn có chế độ ăn thiếu vi chất. Những bé gái sinh ra với cân nặng dưới 2,5kg và cân nặng quá cao đều dễ mắc các bệnh suy dinh dưỡng tạo ra vòng luẩn quẩn, khi trưởng thành, đến tuổi sinh nở sẽ rơi vào nhóm phụ nữ mang thai suy dinh dưỡng, và có thể sinh ra những đứa trẻ thấp còi hoặc béo phì.

Các chuyên gia y tế khẳng định, suy dinh dưỡng thể thấp còi hay béo phì không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ, do đó làm chậm quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ của trẻ, ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Kiểm soát lượng calo bằng dán nhãn

Kết quả nghiên cứu sau hơn 10 năm của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, lượng thịt, cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt tăng gấp rưỡi nhưng lượng rau xanh lại giảm, đặc biệt ở các đô thị lớn. Người dân ăn quá nhiều thịt, cá khiến các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, ung thư... đều có xu hướng tăng.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị, ngành dinh dưỡng cần tiếp tục các giải pháp mang tính chiến lược dài hạn như đảm bảo an ninh lương thực, vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là xây dựng cơ cấu bữa ăn hợp lý, nghiên cứu xây dựng mô hình điểm phòng, chống mất cân bằng dinh dưỡng để nhân rộng ra toàn quốc. "Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi chiến dịch truyền thông để người dân ở những vùng sâu, vùng xa vẫn có thể nắm rõ thông tin về dinh dưỡng. Ăn uống như thế nào để đủ chất, đảm bảo lượng calo trong ngày cho mỗi độ tuổi là những kiến thức người dân cần biết" - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Việt Nam cần học tập nhiều nước trên thế giới về việc dán nhãn calo cho thức ăn chế biến bán sẵn tại các nhà hàng, quán ăn. Như vậy, người dân sẽ kiểm soát được lượng calo để có thể tự kiểm soát được chế độ ăn hợp lý. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Hội Dinh dưỡng Việt Nam thiết lập thêm hệ thống cộng tác viên tại các phòng tập, CLB Thể thao, mở rộng tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về chế độ dinh dưỡng.