Tăng thời gian làm thêm giờ, tối đa có thể 50 - 52 giờ trong 1 tháng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trao đổi về việc Bộ LĐTB&XH đang tổng hợp các ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm vượt quy định trong tháng, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS. Vũ Minh Tiến nêu quan điểm chỉ điều chỉnh thời gian làm thêm tối đa 50 – 52 giờ/tháng và áp dụng tạm thời trong thời gian đặc biệt này để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho công nhân lao động.

Trung bình mỗi ngày, người lao động chỉ làm thêm 2 giờ
Thưa ông, ông có ý kiến gì về đề xuất của các hiệp hội, DN đề xuất tăng thời gian làm thêm/tháng vượt khung quy định hiện hành để nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh?
- Trước hết, tôi rất chia sẻ với những khó khăn của DN trong thời điểm hiện nay, nhất là những lo lắng về đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Mà, đứt gãy chuỗi lao động thì thời gian và khó khắc phục gấp từ 2 - 3 lần so với đứt gãy chuỗi nguyên vật liệu, hàng hóa. Thứ nữa, câu chuyện tăng làm thêm giờ theo tháng hoặc mở rộng đối tượng được áp dụng 300 giờ/năm đã được tranh luận rất nhiều trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo tôi tìm hiểu, Bộ LĐTB&XH đang tổng hợp ý kiến đề xuất cho phép điều chỉnh tăng khung làm thêm giờ/tháng nhưng tổng thời gian làm thêm không vượt quá 300 giờ/năm; và mở rộng các ngành nghề cụ thể được tăng lên mức 300 giờ/năm.
 Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn TS.Vũ Minh Tiến nêu quan điểm chỉ tăng thời gian làm thêm giờ lên 50 – 52 giờ/tháng. 
 Theo quan điểm của ông, trong tình hình thực tế hiện nay, thời gian làm thêm nên được điều chỉnh tăng lên bao nhiêu giờ/tháng?
- Từ thực tiễn khảo sát công nhân lao động và đánh giá tình hình, tôi có 3 ý kiến như sau: Thứ nhất, về mặt tinh thần chủ trương chung, tôi thấy việc điều chỉnh giờ làm thêm cũng nên đặt ra để đáp ứng yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay. Thứ hai, việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ theo tháng chỉ nên áp dụng trong một giai đoạn nhất định; tức là giai đoạn hậu Covid-19, đang Covid-19 và sắp tới. Ví dụ, áp dụng tăng thời gian làm thêm giờ trong 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng hoặc trong giai đoạn đặc biệt. Tất nhiên, việc điều chỉnh tăng làm thêm giờ và áp dụng trong thời gian bao lâu sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội quyết định. Thứ ba,  tôi mong muốn thời gian làm thêm giờ nên dừng ở con số 40 giờ/tháng. Nhưng trong giai đoạn đặc biệt này (DN có nguy cơ về đứt gãy chuỗi cung ứng) nên thời gian làm thêm tăng lên 50 giờ/tháng, tối đa là 52 giờ/tháng. Hiện nay, hầu hết công nhân lao động đang làm bình quân 25 – 26 ngày/tháng, làm 6 ngày/tuần, 8 tiếng/ngày; như vậy, 6 ngày làm việc/ tuần là 48 tiếng.
 Người lao động đang làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên.
Nếu các DN được được điều chỉnh thời gian làm thêm lên 50 – 52 giờ/tháng, thì chia bình quân mỗi ngày người lao động làm thêm khoảng 2 tiếng; và tổng thời gian làm việc bình thường và làm thêm là 250 giờ/tháng. Quan điểm của tôi là tăng thời gian làm thêm ít để còn đảm bảo sức khỏe của công nhân lao động. Đặc biệt là không nên dồn làm thêm giờ trong 1 - 2 tuần, làm cật lực, cường độ rất cao 4 – 6 - 8 tiếng/ngày, thì tuần sau, tháng sau người lao động có thể lao lực rất lớn. Và, làm thêm quá nhiều giờ trong ngày sẽ ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, kể cả về chăm sóc con cái, chăm lo cho gia đình.
Doanh nghiệp thiếu người lao động thì được làm thêm giờ
Người lao động làm thêm giờ vượt quá khung quy định hiên nay sẽ được trả mức lương như thế nào, thưa ông?
- Theo luật quy định, đơn giá tiền lương, tiền công làm thêm giờ vào ngày bình thường tối thiểu là 150%, ngày nghỉ 200%...Mặc dù được thỏa thuận, công nhân lao động có thiện chí sẵn sàng làm thêm giờ nhưng tôi đề nghị DN khuyến khích và thể hiện thiện chí với người lao động bằng cách tăng đơn giá tiền làm thêm giờ lên 170% và 220%; như thế hai bên đều có lợi. Bởi khi DN huy động công nhân lao động tại chỗ làm thêm giờ rất lợi về kinh tế, vì không phải mở rộng nhà máy, không cần tuyển thêm nhân công, không mất công đào tạo.
Theo ông, tăng thời gian làm thêm giờ được áp dụng cho những ngành nghề nào; hay công ty nào có nhu cầu trả đơn hàng gấp thì được phép tăng làm thêm giờ?
- Nghị định của Chính phủ đã có quy định một số ngành, lĩnh vực cụ thể được làm thêm ở mức 200 giờ/năm, 300 giờ/năm. Nhưng đây là áp dụng trong trường hợp đặc biệt thì có thể mở rộng; có nghĩa không nên quy định cứng ngành nào mà chỉ quy định về nguyên tắc những DN nào đang thiếu người lao động, cần khắc phục sớm, chống đứt gãy sản xuất để giao đơn hàng, hoàn thành công việc, kể cả xây dựng. Còn những trường hợp cụ thể thì giao cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh quyết định. Như vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ hướng dẫn về nguyên tắc tăng thời gian làm thêm giờ và giao quyền cho địa phương sẽ sát thực tế hơn.
         Xin cảm ơn ông!