Tăng thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông khó phân hủy

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/6, Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam, Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam) phối hợp với Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

 Hội thảo ''Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam'' được tổ chức trực tuyến nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam - BT Tee cho biết, nhựa vừa là nỗi ám ảnh, vừa là vị cứu tinh của nền văn minh hiện đại. Chúng ta không thể sống thiếu nhựa nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc xử lý và tái chế nhựa. Mọi chất liệu và vật liệu nhựa từ số 0 sơ khởi tới nay đã xuất hiện tại mọi nơi trong suốt 60 năm, từ một giải pháp hữu ích cho các nhu cầu của con người nay đã trở thành thủ phạm gây ô nhiễm lên môi trường chúng ta đang sống.
Cũng theo ông BT Tee, Việt Nam đang phấn đấu giảm 50% lượng rác thải nhựa ra môi trường biển vào năm 2025 nhằm ứng phó với những thách thức này. Do đó, việc áp dụng các công nghệ mới để quản lý việc phân loại rác và xa hơn là giảm các hoạt động chôn lấp, giảm lượng khí thải cùng với việc tạo ra năng lượng sạch từ rác thải sinh học… là hết sức cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những phân tích sâu sắc về vai trò quan trọng của việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến việc thu gom, xử lý rác thải nhựa.
Theo các đại biểu, hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế)… Tuy nhiên, nó vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn một cách hiệu quả.
Các đại biểu kiến nghị cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni lông thân thiện môi trường. Cần tăng mức thuế bảo vệ môi trương đối với túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, các cấp có liên quan cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần