Các tổn thất này bao gồm các chi phí hút thuốc, khám và điều trị các bệnh liên quan, giảm sút và mất khả năng lao động do bệnh tật và tử vong sớm.
Báo động tình trạng giới trẻ sử dụng thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, hiện nay ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó khoảng 5 triệu sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, những thành tựu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, gia tăng nhanh chóng đặc biệt là trong giới trẻ.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá, đặc biệt thuốc lá điện tử gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ.
Nhấn mạnh về tác hại của việc hút thuốc lá, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
“Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm. Tác hại lớn như vậy nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được bằng việc không hút thuốc lá” - PGS.TS Vũ Văn Giáp cho hay.
Cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Đề cập đến vấn đề này, TS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Đặc biệt, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho trẻ.
Theo TS Đỗ Minh Loan, để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở trẻ vị thành niên, cần có sự phối hợp giữa trẻ vị thành niên, nhà trường, gia đình. Đối với nhà trường, cần trang bị cho trẻ kỹ năng từ chối; phân tích cho trẻ hiểu rõ tác hại của thuốc lá để trẻ có lập trường vững vàng trước những lời mời gọi của bạn bè; tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học cho trẻ.
Đối với trẻ vị thành niên, khi bị lôi kéo hút thuốc, mạnh dạn phản ánh với thầy cô, cha mẹ để có biện pháp xử lý kịp thời. Nên thẳng thắn nói “không” và tỏ rõ lập trường của bản thân khi bị lôi kéo.
Đối với gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe, đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lý và những thay đổi của trẻ để động viên kịp thời.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên hút thuốc lá để làm gương cho trẻ; cần phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Liên quan đến vấn đề này, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam khẳng định, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cực kỳ có hại cho sức khỏe. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những người là mục tiêu của ngành công nghiệp, các sản phẩm này có thể làm giảm nghiêm trọng sự phát triển não bộ; không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này giúp mọi người cai thuốc lá.
Cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả giới trẻ Việt Nam khỏi tác hại sức khỏe của các sản phẩm này là cấm hoàn toàn. Chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi của Việt Nam khỏi tác hại của chúng.
“Quốc hội Việt Nam hiện đang xem xét lệnh cấm đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bác sĩ và điều dưỡng để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp hành động khẩn cấp để cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở Việt Nam. Qua đó, giúp mọi trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam có cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc" - TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia y tế, thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ rẻ, vì thuế thấp. Điều này có nghĩa là giá cả không tạo được rào cản ngăn ngừa những nhóm trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và không khuyến khích những người hiện đang hút, bỏ thuốc lá. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá để giúp “tiêm phòng” cho thanh niên Việt Nam khỏi tác hại của việc sử dụng thuốc lá suốt đời.
Thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Do đó, Bộ Y tế kêu gọi sự hỗ trợ và cam kết từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thể chế, chính sách nghiêm ngặt, đặc biệt là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới trái phép, nhất là việc bán cho trẻ vị thành niên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn