Tăng thuế rượu, bia, thuốc lá, hướng đến chuyển dịch năng lượng xanh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Dự án Luật được xây dựng nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh, giảm phát thải, hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Bổ sung, tăng thuế suất nhiều hàng hóa có hại cho sức khỏe

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009 thay thế cho Thuế TTĐB năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005. Các nội dung sửa đổi, bổ sung Thuế TTĐB trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định, như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện.

Bổ sung thêm nhiều đối tượng chịu thuế TTĐB (ảnh minh họa)
Bổ sung thêm nhiều đối tượng chịu thuế TTĐB (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hóa xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Dự thảo Luật Thuế TTĐB đưa ra 4 nội dung mới, bao gồm mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan; sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá, bia rượu, đồng thời điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng thân thiện với môi trường. Mặt khác, nghiên cứu đánh thuế bổ sung đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá dạng mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet…

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của dự Luật này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khỏe và môi trường. Đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng tới phát triển bền vững

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt kiến nghị, năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch Covid-19 cần phải khắc phục nhiều năm. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược và xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp dẫn đến những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo VBA, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao đối với toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ nguyên liệu thô tới các sản phẩm bao bì, đóng gói, bởi các nguyên liệu để sản xuất bia đều phải nhập khẩu từ châu Âu. Do vậy, các DN thuộc Hiệp hội VBA đều mong muốn ổn định các chính sách thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị lùi thời gian thêm việc đánh thuế từ 1-1,5 năm. Đồng thời, VBA hy vọng nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách, phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, vì sự phát triển bền vững... Do vậy, các DN thuộc Hiệp hội VBA đều mong muốn ổn định các chính sách thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị lùi thời gian thêm việc đánh thuế từ 1-1,5 năm.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế TTĐB của Bộ Tài chính hoàn toàn hợp lý và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu rồi. Việc áp thuế TTĐB với hàng hóa không ảnh hưởng quá lớn tới DN sản xuất, chỉ làm tăng giá sản phẩm, nhằm định hướng tiêu dùng. Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh viện dẫn thêm, hiện mức thuế TTĐB với các loại bia, rượu, thuốc lá của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, thuế TTĐB với thuốc lá ở Việt Nam hiện đang áp dụng là thuế tỷ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc  biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%... Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Còn đối với rượu, bia, mức áp thuế TTĐB cũng ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40-50%. “Yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

 

Hiện tại Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ, đồng thời đề xuất trình Chính phủ tiến độ của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự luật này vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tổ chức vào tháng 5/2024.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần