Tăng tính liên kết giữa các địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 tháng triển khai, chương trình hợp tác giữa ngành nông nghiệp Hà Nội với 18 tỉnh, TP khu vực phía Bắc về cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, mỗi địa phương đều có sự thay đổi căn bản từ nhận thức, chỉ đạo và hoạt động tổ chức sản xuất.

Nhiều nông sản ngon về Thủ đô

 

Ngày 30/1/2013, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý Nhà nước với Sở NN&PTNT các tỉnh, TP phía Bắc về phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; sản xuất, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn cho Hà Nội và ngược lại. Triển khai thỏa thuận này, tất cả các địa phương đều đã tích cực vào cuộc. Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, Hà Nội đã trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Định đã đưa về Hà Nội tiêu thụ khoảng 100.000 tấn gạo chất lượng cao, 20.000 tấn rau quả, 50.000 tấn thủy sản. "Đáng mừng là cơ chế quản lý phối hợp kiểm soát ATTP giữa hai tỉnh đã bước đầu hình thành và được vận hành khá hiệu quả" - ông Hoan chia sẻ.
Măng khô và các đặc sản của tỉnh Tuyên Quang được giới thiệu tại Hà Nội.  Ảnh: Quang Thiện
Măng khô và các đặc sản của tỉnh Tuyên Quang được giới thiệu tại Hà Nội. Ảnh: Quang Thiện
Tương tự, tại Thái Nguyên, trong 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất ra thị trường 7 triệu con gia cầm và khoảng 500.000 con lợn, trong đó về thị trường Hà Nội chiếm 50 - 60%. Theo ông Phạm Quang Phúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên, việc hợp tác đã mở ra cơ chế kiểm soát tốt hơn các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào Hà Nội và các tỉnh. Điều này cũng được đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh vùng biên giới khẳng định. Tại Quảng Ninh, tình hình nhập lậu gia cầm đã giảm trên 90%…

 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các đơn vị trực thuộc Sở đã đẩy mạnh xúc tiến ký kết hợp tác với các tỉnh trên lĩnh vực được phân công. Cụ thể, Chi cục Thú y đã ký kết được với 16 tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã ký kết được với 15 tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã ký kết được với 8 tỉnh. Hầu hết các tỉnh đều tích cực đẩy mạnh quy hoạch, triển khai các mô hình sản xuất an toàn để cung ứng cho thị trường Thủ đô. Kết quả đáng ghi nhận là chương trình hợp tác đã giúp các địa phương có những thay đổi cơ bản trong chỉ đạo, lãnh đạo tới tổ chức và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

 

Gia tăng liên kết

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song chương trình hợp tác kiểm soát và cung ứng nông sản ATTP giữa Hà Nội với các tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lượng nông sản thực phẩm cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp chưa được nhiều so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nên việc việc đầu tư, quy hoạch, kiểm soát dịch bệnh và ATTP nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác quản lý, cấp chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số tỉnh còn bất cập, tỷ lệ kiểm soát còn thấp.

 

Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 tháng triển khai công tác phối hợp giữa Sở NN&PTNT Hà Nội với Sở NN&PTNT 18 tỉnh, TP tổ chức cuối tuần qua, đại diện các địa phương đều bày tỏ mong muốn gia tăng mối liên kết giữa các bên. Trong đó tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, HTX để đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị Hà Nội mở rộng quy mô hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của Lào Cai như gạo Séng Cù, chè, rau trái vụ, trái cây vùng cao (lê, đào, mận, nho, kiwi, sơ ri), lợn đen, gà đen…

 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thủ đô mới đáp ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá, 84% trứng gia cầm, 33% rau củ tươi, 18% quả tươi… Do đó, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực của các tỉnh, TP khác để đưa các nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn về phân phối tại thị trường Thủ đô. Đồng thời, các địa phương trong khu vực phối hợp quản lý tốt hơn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch sản phẩm động vật vào Hà Nội. Ông Vân cho biết thêm, thời gian tới sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hợp tác nông nghiệp với Hà Nội.

 

 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y các tỉnh đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và thông báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật về Hà Nội được hơn 314.000 con lợn, hơn 1,2 triệu con gia cầm, 18,7 tấn sản phẩm động vật các loại.