Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch về việc Việt Nam cần phải có một thương hiệu quốc gia để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Tiến Dũng/TTXVN)
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết từ tháng 5/2012 ngành du lịch đã công bố và triển khai chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch.
Để triển khai chiến lược này Việt Nam phải đi qua nhiều giai đoạn và quy trình của nó đòi hỏi phải có ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, do năm 2012 kinh phí quá hạn hẹp nên đã bị cắt giảm quá nhiều và Việt Nam chưa có kinh phí đầu tư cho chương trình này, do đó đã lỡ mất cơ hội quảng bá, hình ảnh du lịch thông qua những hội chợ, những sản phẩm để quảng bá một thương hiệu gắn với logo và slogan mới.
Việt Nam phải có một quy trình mang tính chuyên nghiệp cũng như định vị nó, giới thiệu nó, quảng bá một cách chủ động và vì vậy phải có một chiến dịch tập trung quảng bá thương hiệu chứ không phải kết hợp với một hội chợ, văn hóa để giới thiệu logo và slogan này.
Ông Cường cũng cho biết ở nước ngoài, họ thường hay thuê những công ty chuyên nghiệp làm việc này. Ở Việt Nam cũng phải tranh thủ các chuyên gia. Hiện nay, có rất nhiều dự án và các chuyên gia tham dự như dự án Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha, tổ chức quốc tế và đặc biệt, gần đây chúng ta thành lập hội đồng tư vấn du lịch gồm những nhà quản lý du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tất cả kinh nghiệm này hoàn toàn có thể phát huy được nhưng vấn đề kinh phí là quan trọng nhất. Ngành kiến nghị, Nhà nước nên có cơ chế tạo điều kiện để Tổng cục Du lịch triển khai xúc tiến thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, giá trị thương hiệu bao gồm giá trị thương mại và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Đối với một công ty du lịch của Việt Nam thì điểm xuất phát của Việt Nam so với các nước khác rất là thấp và cần có thêm thời gian thì mới tạo ra thương hiệu thực sự cho ngành du lịch.
Ông cho rằng một thương hiệu du lịch quốc gia là điều cần thiết nhưng phải có một thương hiệu quốc gia cho các công ty du lịch lớn có đủ sức mạnh và có đủ tiêu chí để có thể thừa nhận và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Nhìn xa hơn một chút là đảm bảo sự phát triển bền vững đối với quốc gia và đối với các vùng du lịch.
Vùng du lịch trọng điểm phải có thương hiệu du lịch quốc gia và phải có sự liên kết để xây dựng thương hiệu. Khách du lịch phải đến với vùng du lịch chứ không phải đến với các địa phương cụ thể. Tức là khi đến với một địa phương du khách phải tham gia tour du lịch của cả vùng chứ không phải đến với một địa phương rồi về. Du lịch không có biên giới, ranh giới địa phương du lịch chỉ là hình thức. Đối với ngành du lịch thì ranh giới phải là một vùng du lịch.
Còn ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết việc xây dựng quảng bá thương hiệu du lịch đối với Quảng Ninh là việc làm thường xuyên liên tục và dưới nhiều hình thức từ việc tổ chức các sự kiện như carnaval, chương trình Tuần du lịch Hạ Long dành cho khách châu Âu, châu Á và tiến tới thị trường Trung Quốc, thị trường Đông Bắc Á.
Phải nói rằng, thiên nhiên đã ưu đãi cho Quảng Ninh có được một di sản thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây là lợi thế cũng như đòn bẩy để Quảng Ninh bứt phá để có một thương hiệu du lịch bền vững.
Ông Long khẳng định rằng việc xây dựng giới thiệu những nét đặc trưng tiêu biểu của vùng đất, con người đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là việc làm quan trọng và nó phải được thực hiện trong những việc làm cụ thể.
Đó là tổ chức các sự kiện tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thương hiệu du lịch Quảng Ninh được thực hiện qua chương trình hội chợ quốc tế, trong nước và các cuộc giới thiệu, cùng với chương trình Famtrip nhằm tuyên truyền giới thiệu quảng bá về di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây là định hướng mang tính chất tổng thể và kỳ quan Hạ Long sẽ phải được tuyên truyền để trở thành thương hiệu chính của du lịch Quảng Ninh.