Tăng tốc nhập khẩu, tiêm chủng vaccine

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng Covid-19. Trước đó, đã nhiều lần, Bộ Y tế khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các địa phương, DN mua vaccine Covid-19. Tuy nhiên, “cửa” mua vaccine đến nay vẫn vô cùng khó khăn.

 Cán bộ y tế Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Khuyến khích các địa phương tìm mua vaccine

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer. Xét kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho Nhân dân.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi”. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine nhưng không có nghĩa là Bộ “độc quyền” nhập khẩu mà luôn khuyến khích tất cả các địa phương, DN có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định: “Nhất thiết không để bất kỳ DN nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được”.

Tuy nhiên, trước đó, Bộ Y tế đã từng cảnh báo tình trạng “lừa đảo vaccine” khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vaccine để chào bán vaccine nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vaccine đều khẳng định là không đúng sự thật. Vì vậy, việc mua vaccine phải vô cùng thận trọng, tìm hiểu kỹ càng, tránh để xảy ra tình trạng “bị lừa”.

Cách nào để mua được?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, các đơn vị khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine cần gửi hồ sơ theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý để bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.

Trường hợp các DN, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ điều kiện nhập khẩu vaccine theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện. Đối với các đơn vị mua được vaccine nhưng không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.
 Ảnh: Phạm Hùng.

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng vaccine, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, phương pháp kiểm soát là phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua các công ty trung gian vì khi vận chuyển vaccine về, khó kiểm soát được quá trình bảo quản có đảm bảo không. Hoặc nhà sản xuất phải ủy quyền chính thức cho các công ty và phía đơn vị mua được kiểm tra việc ủy quyền đó. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, hiện nay, nhu cầu vaccine của các nước rất lớn trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm. Mặc dù Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện để các địa phương, DN tìm mua vaccine nhưng để tìm được nguồn đã khó, mua được vaccine về Việt Nam càng khó hơn. Bởi điều kiện để nhập vaccine vô cùng ngặt nghèo, hạn sử dụng của vaccine lại ngắn, tính từ thời điểm sản xuất chỉ trong vòng 6 tháng. Trong khi để vận chuyển về đến Việt Nam có thể đã mất 1,5 tháng, khâu kiểm định, thủ tục cho vaccine mất nửa tháng, nếu triển khai tiêm chủng chậm có thể dẫn đến hết hạn vaccine.

Cho nên, dù cách đây 3 tháng, Bộ Y tế đã có công văn khuyến khích và hướng dẫn thủ tục cho các đơn vị nhập khẩu vaccine nhưng đến nay, chỉ mới có vài DN “lên tiếng” mua vaccine. Nguồn cung vaccine cho đến nay, vẫn là do Chính phủ, Bộ Y tế đàm phán.

Đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine

Việt Nam xác định việc mua vaccine phòng Covid-19 là vô cùng cần thiết, cấp bách, cần làm ngay. Theo tính toán của Bộ Y tế, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, với kinh phí ước tính trên 25.000 tỷ đồng. Số lượng vaccine lớn như vậy, hoàn toàn phải nhập ngoại vì cho đến nay, trong nước vẫn chưa sản xuất được.

Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Trong tháng 8 và 9, dù thế giới rất khan hiếm vaccine, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam có thể nhận 10 - 12 triệu liều vaccine vào tháng 9; đến quý IV/2021, vaccine có thể về dồn dập, trong đó khoảng 47 - 50 triệu liều Pfizer.

Trong hôm qua (26/8), 1 triệu liều vaccine Pfize do Mỹ viện trợ đã về đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 25/8, Chính phủ Italia cũng đã quyết định tài trợ 801.600 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. Dự kiến số vaccine này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam vào đầu tháng 9 tới đây. Cùng ngày, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra lễ tiếp nhận tượng trưng 300.000 liều vaccine Astra Zeneca do Chính phủ Romania gửi tặng Việt Nam.

Ngoài các nguồn trên, Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán với các đối tác khác để sớm đưa vaccine về tiêm chủng cho người dân. Về vaccine trong nước, Việt Nam hiện có 3 vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, vaccine Nano Covax vừa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3a; vaccine Covivac đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình và vaccine ARCT-154 đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tiên tại Đại học Y Hà Nội trên 100 tình nguyện viên..

Mới đây, nhóm nghiên cứu vaccine Nano Covax cũng đã kết luận loại vaccine này đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vaccine Nano Covax.
Phải tổ chức triển khai công tác xét nghiệm thực sự khoa học, hợp lý; triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, hiệu quả; cộng với thuốc điều trị. Chiến lược ngoại giao vaccine đang được tích cực triển khai. Vừa qua, chúng ta đã ký được các hợp đồng lớn về vaccine phòng Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tính đến nay, cả nước đã tiêm được 18.095.473 liều vaccine, trong đó tiêm 1 mũi là 16.056.222 liều, tiêm mũi 2 là 2.039.251 liều. Riêng TP Hồ Chí Minh đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi; 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Còn tại Hà Nội đã tiêm cho 23% dân số và bằng 31% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần