Tăng tốc phát triển không gian ngầm đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển không gian ngầm không chỉ là xu hướng mà còn là phương án hiệu quả trong xây dựng, phát triển bền vững của các đô thị lớn.

Mới đây, ngày 15/3/2022, UBNDTP Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn tăng tốc triển khai không gian ngầm đô thị tại Thủ đô Hà Nội.

Không gian ga ngầm S9, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Không gian ga ngầm S9, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Không gian ngầm gắn với giao thông công cộng

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa, bổ sung phần không gian xây dựng ngầm của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Quy hoạch được lập trên cơ sở nghiên cứu, điều tra khảo sát điều kiện địa chất, thủy văn, đánh giá hiện trạng công trình ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện (diện tích 756km2) trong phạm vi đô thị trung tâm và tại 5 đô thị vệ tinh với 615 công trình xây dựng có tầng hầm và 7 lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

Quy hoạch đã dự báo được nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm, phân vùng chức năng để nghiên cứu xây dựng công trình ngầm. Đồng thời, đã định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng. Đặc biệt để đảm bảo tính khả thi, bản quy hoạch đã đề xuất các nguồn lực thực hiện, phân kỳ đầu tư hợp lý và xác định được yêu cầu quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Theo nội dung quy hoạch không gian ngầm Hà Nội, các đầu mối giao thông công cộng lớn của TP (TOD, ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) sẽ là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Trong phạm vi 500m từ các đầu mối giao thông công cộng sẽ sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại công trình cao tầng, trung tâm thương mại, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động… Ngoài ra, tại các khu vực hiện hữu có nhu cầu xây dựng lại như khu tập thể cũ, khu vực phải di dời ra khỏi nội đô… khuyến khích xây dựng tầng hầm để sử dụng đất hiệu quả.

Về giao thông ngầm sẽ hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối công trình công cộng ngầm, gara ngầm với đầu mối TOD, cùng với mạng lưới đường sắt đô thị ngầm sẽ kết hợp với mạng lưới đường bộ trên mặt đất thành những tuyến liên tục và có sự liên thông dễ dàng nối liền các khu vực của TP. Xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại các khu vực không có điều kiện về quỹ đất hoặc khu vực có những yêu cầu về bảo vệ, phát triển cảnh quan không gian trên mặt đất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bản quy hoạch đã khá hoàn thiện về mô hình phát triển không gian ngầm, vấn đề là cần nhanh chóng được triển khai, cụ thể hóa bằng những quy hoạch chi tiết, vì đây là nền tảng cho sự phát triển và nhu cầu thiết yếu của TP. Bởi mỗi năm dân số tăng nhanh kéo theo mật độ dân số lớn, gây áp lực đến các hạ tầng mặt đất và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đô thị, không gian ngầm được xem là khu vực rất tiềm năng.

Cần hoàn thiện các cơ sở pháp luật liên quan

Trước đây, Hà Nội đã có nghiên cứu xây dựng các công trình ngầm nhưng chỉ nhằm giải quyết nhu cầu cục bộ. Mục tiêu của Quy hoạch không gian ngầm lần này đặt ra phải tạo ra sự liên kết tổng thể để gắn kết với không gian trên mặt đất, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Không gian ngầm không chỉ để phục vụ giao thông mà còn phục vụ văn hóa và dịch vụ thương mại. Điểm nổi trội là có sự liên kết trong toàn khu vực chứ không phải xem xét cục bộ ở từng địa điểm hoặc từng lô đất.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sau khi bản quy hoạch được phê duyệt, để phát huy giá trị trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Cần phải xem xét đến quyền khai thác, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm hiện chưa được Luật Đất đai quy định. Đặc biệt, công tác quản lý hệ thống không gian ngầm như thế nào để vừa tạo ra tiềm năng mới về giao thông, dịch vụ thương mại nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường và chống tác động của biến đổi khí hậu.

Với thực tiễn đang thực hiện xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội tuyến số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội với 4km và 4 ga đi ngầm, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ, trong quá trình xây dựng các nhà ga ngầm, đơn vị gặp phải những vướng mắc đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến dự án.

Cụ thể, tại QCVN 08: 2009/BXD của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị có quy định về khoảng cách an toàn từ giếng gió, cửa thoát hiểm, cửa lên xuống của công trình nhà ga ngầm đến các công trình hiện hữu tối thiểu 15m. Quy định này đã tác động trực tiếp đến quy hoạch tổng mặt bằng của nhà ga, đồng thời đòi phải GPMB “trắng” một khoảng không gian 15m theo các chiều liên quan. Đây là quy định không thể thực hiện trong thực tiễn, do đó rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, tháo gỡ triệt để.

Cùng với hoàn thiện hệ thống quy định từ quản lý, sở hữu đến quy chuẩn kỹ thuật cho loại công trình này, việc chuẩn bị một nguồn lực căn bản để phát triển hệ thống không gian ngầm đồng bộ cũng rất quan trọng. Theo KTS Trần Huy Ánh, xây dựng và vận hành công trình ngầm phải dùng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị phức tạp nên chi phí thường cao hơn nhiều so với công trình trên mặt đất, nếu không chủ động được nguồn vốn đầu tư sẽ dễ xảy ra tình trạng “quy hoạch treo” hay chỉ với các công trình riêng lẻ, cục bộ rồi bị “bỏ hoang”.

Theo Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, nhằm đảm bảo tính thống nhất, thời gian tới, Sở sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành trước đây để đảm bảo phù hợp với đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội được duyệt. Đồng thời, thực hiện thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, đề án, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP về đề xuất quy hoạch, giải pháp thiết kế không gian ngầm nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

 

Thấy rõ tầm quan trọng của không gian ngầm, Hà Nội đã nghiên cứu từ nhiều năm nay nhưng vì thực trạng trong quản lý không gian ngầm vừa qua thiếu sự cập nhật, thống kê nên việc lập quy hoạch không gian ngầm rất phức tạp, đồ án rất khó để phê duyệt. Đặc biệt, tồn tại đa dạng công trình ngầm như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình năng lượng, thông tin ngầm, công trình an ninh quốc phòng…

Tuy nhiên, với sự cố gắng của các đơn vị tư vấn, sự đóng góp của chuyên gia, đến nay TP Hà Nội đã là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Hy vọng với quy hoạch này, TP sẽ có được một hệ thống không gian đô thị đồng bộ và khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần