Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trần giá vé máy bay sẽ thay đổi dịch vụ hàng không như thế nào?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều ồn ào tranh cãi, cuối cùng mức trần giá vé máy bay cũng chính thức được điều chỉnh tăng. Đây được coi là điều tất yếu cần làm trong xu thế hiện nay.

Trần giá vé máy bay nội địa chính thức được tăng lên mức tối đa 4 triệu đồng.
Trần giá vé máy bay nội địa chính thức được tăng lên mức tối đa 4 triệu đồng.

Nâng trần giá vé lên tối đa 4 triệu đồng

Việc tăng trần giá vé máy bay được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định trong Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa vừa chính thức được ban hành.

Theo đó, các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều.

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Trước đó, cùng với “sàn” thì trần giá vé may bay là hai hàng rào pháp lý được đưa ra nhằm mục đích giúp Nhà nước khống chế khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản luôn ở mức phù hợp nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích của khách đi máy bay cũng như tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, không ít lần đại diện các hãng hàng không đã lên tiếng đòi điều chỉnh mức giá trần và giá sàn này với lý do đây là những quy định đã không còn phù hợp, gây cản trở các hãng hàng không phát triển và cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Thậm chí, có hãng bay còn thẳng thắn yêu cầu bỏ cả trần và sàn giá vé máy bay.

Đương nhiên, trong tất cả những lần đưa ra đòi hỏi đó của các hãng hàng không, dư luận và giới chuyên gia đề nhất loạt phản đối. Đó là lý do dù liên tục bị lôi ra phán xét, mức trần và sàn giá vé máy bay vẫn được giữ cho đến tận ngày nay.

Tăng trần giá vé máy bay được coi là giải pháp cần thiết trong bối cảnh giá nhiên liệu đang tăng chóng mặt.
Tăng trần giá vé máy bay được coi là giải pháp cần thiết trong bối cảnh giá nhiên liệu đang tăng chóng mặt.

Giải pháp cần thiết với cơn “bão giá” nhiên liệu

Trên thức tế, trong một vài năm gần đây, quan điểm dư luận cũng có những thay đổi nhất định đối với việc điều chỉnh giá trần vé máy bay. Không những không còn phản đối gay gắt như trước, nhiều ý kiến đã tỏ ra đồng tình với việc điều chỉnh mức trần giá vé máy bay.

Đầu tiên là đương nhiên vẫn là các hãng hàng không khi cả 4 hãng bay của nước ta hiện nay là Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đều đồng thuận với việc tăng giá vé máy bay nội địa. Mà muốn tăng giá vé, điều chỉnh tăng mức trần giá vé là điều tiên quyết.

Theo Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Cùng đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỉ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%. Do đó chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).

Bộ GTVT cũng cho rằng, việc tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỉ giá đều tăng cao. Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng.

Trước khi chính thức ban hành Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 trong đó quy định chính thức về mức trần giá vé may bay nội địa mới, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không lấy ý kiến.

Tăng trần giá vé máy bay sẽ mở đường cho hàng loạt gói dịch vụ hàng không cao cấp ra đời.
Tăng trần giá vé máy bay sẽ mở đường cho hàng loạt gói dịch vụ hàng không cao cấp ra đời.

Tiền đề cho các gói dịch vụ hàng không cao cấp ra đời

Nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc quy định giá trần vé máy bay còn tồn tại nữa hay không phải xem xét các hãng có còn thống lĩnh thị trường nữa hay không, nếu còn thì chúng ta phải tiếp tục quy định giá trần.

“Khi đã quy định giá trần phải tính toán chi phí làm sao cho phù hợp, sát với thực tế, sát với giá thị trường, đừng để DN bị lỗ” – chuyên gia Ngô Trí Long nói và cho biết thêm, nếu hiện nay giá nhiên liệu tăng cao hay các chi phí khác tăng cao thì buộc chúng ta phải xem xét lại giá trần, chứ không phải vì lý do đó mà lại bỏ đi giá trần. Bỏ giá trần khi thị trường không còn DN giữ vị trí thống lĩnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải bỏ cả mức trần và sàn giá vé máy bay để cho hàng không phát triển tự nhiên và cạnh tranh một cách lành mạnh.

 

Giá vé máy bay nội địa nên để thị trường tự quyết định, qua đó, giúp tạo đà tăng trưởng cho ngành hàng không, vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó vẫn cho phép kích cầu để tăng trưởng du lịch – chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

“Không thể giữ nguyên một mức giá vé trong một thời gian dài mà luôn có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường mà. Đó là để người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu và khả năng kinh tế của mình. Còn hãng bay nào, nhà xe nào bán vé đắt, tự sẽ bị hành khách tẩy chay. Đây chính là quy luật cạnh tranh của thị trường. Đừng bao giờ suy nghĩ về một loại vé công nghiệp để mà đề ra giá trần, giá sàn. Kinh tế thị trường là như vậy, đừng bao giờ can thiệp vào” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, việc trần giá vé máy vay “đóng khung” 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Từ đó, vị chuyên gia này khẳng định, việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả.

TS Bùi Doãn Nề cũng cho rằng việc nới giá trần sẽ không là lý do để các hãng đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại còn giúp hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không. “Việc này không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá và các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ" – TS Bùi Doãn Nề nói.

 

Theo Bộ GTVT, về lâu dài, khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội, thị trường hàng không có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì có thể đề xuất bỏ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là phù hợp. Khi đó, Nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ dần quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cần có lộ trình.