70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng trợ cấp ưu đãi người có công lên tới 8,3 triệu đồng/tháng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Theo đó, mức trợ cấp hàng tháng của người có công cao nhất lên tới 8,3 triệu đồng.

Tại ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 (29/6), Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh tăng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công với với mức chuẩn trợ cấp.

Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7%. Ảnh minh họa: Thu Huyền.
Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7%. Ảnh minh họa: Thu Huyền.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng; dự thảo Nghị định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, dự thảo Nghị định về mức chuẩn trợ giúp xã hội, trình Chính phủ ban hành để thực hiện từ ngày 1/7/2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Tại Tờ trình số 30/TTr-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH gửi Chính phủ, đã nêu: 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân. Gần đây nhất, năm 2023, mức trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cao hơn lương cơ sở 5,7%. Cụ thể, lương cơ sở điều chỉnh lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%) thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh lên 2.055.000 đồng (tăng 26,5%).

Kết quả thống kê từ các địa phương cho thấy tỷ lệ giảm tự nhiên (chết do tuổi già, nhiều bệnh nền) của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

“Với độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 đến 95 tuổi) thì việc thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là điều chỉnh ngay mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng ở mức cao nhất là rất cần thiết. Thực tế với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh thì trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (2024 – 2034) có thể nói là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng”- Bộ LĐTB&XH cho biết.

Cùng với việc đề xuất phương án điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công lên 2.789.000 đồng (tương ứng với tỷ lệ tăng 35,7%) thực hiện từ ngày 1/7/2024, Bộ LĐTB&XH đưa ra nguyên tắc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Đó là giữ nguyên mối tương quan giữa các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hiện hành so với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo số tiền tuyệt đối được điều chỉnh tăng bằng với tỷ lệ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 35,7%.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng năm, một lần và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.

Về thời điểm hưởng: Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hàng tháng, hàng năm, một lần được thực hiện kể từ ngày 1/7/2024. Mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe được thực hiện kể từ ngày 1/1/2025.

Với việc Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng 37,5% mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thì mức trợ cấp hàng tháng của: Bà mẹ Việt Nam anh hùng là 8.367.000 đồng; bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 71% - 80% là 5.329.000 đồng; bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% - 90% là 6.378.000 đồng; người hoạt động kháng chiến có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% - 80% là 4.964.000 đồng; người hoạt động kháng chiến có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên là 6.359.000 đồng...