Tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt từ 6 - 7%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 đổ bộ, đã có một số tổ chức hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Thời điểm trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Oxford Economics, IMF, World Bank, HSBC nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,6 % - 6,8%, đến nay, các mức này đều hạ so với dự báo trước đó.

GDP thấp hơn kỳ vọng

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/6 nhận định, tất cả các chỉ số di chuyển chính đều giảm mạnh trong tháng 5/2021, khi các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát đợt dịch này. WB lưu ý, mặc dù nền kinh tế dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ 4, nhưng một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn.

 Ảnh minh họa

Hầu hết các chỉ số di chuyển, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn, đã giảm mạnh và đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược (điện tử và xây dựng). Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI. Các diễn biến này cần được theo dõi chặt chẽ trong những tuần tới.

“Điểm tích cực là Chính phủ đã củng cố dư địa tài khóa, vì vậy có thể xem xét chuyển sang chính sách tài khóa thích ứng hơn bằng việc hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trong nước” - WB nhận định.

Theo đó, WB nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,8% được đưa ra cuối năm 2020 do những ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất được WB dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Hồi tháng 10 năm ngoái, S&P kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 11,2%. Ở lần dự báo gần nhất hôm 21/5 - khi đã xuất hiện làn sóng Covid-19 mới tại Việt Nam, tổ chức này điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 8,5%. Đến 31/5, ngân hàng này cho biết đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,8% xuống mức 6,7%.

Điểm chung trong các dự báo tăng trưởng mới nhất, Covid-19 vẫn được coi là “biến số”, tác động mạnh tới tăng trưởng trong các báo cáo dự báo về triển vọng của Việt Nam năm nay...

Standard Chartered nhận định: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh có thể làm gia tăng lạm phát, và giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát trong nước. Dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 3,8%”. Một làn sóng dịch Covid-19 vừa bùng phát trong khu vực Đông Nam Á mà ngay cả Việt Nam cũng không tránh được. Số ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày, đặc biệt trong các khu công nghiệp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Trong khi số liệu của tháng 5 vẫn ổn định, đợt bùng dịch này có thể gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2021.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị.

6 tháng cuối năm GDP phải tăng từ 6 - 7%

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm mới đây, Bộ KH&ĐT dự kiến quy mô tổng sản phẩm trong nước GDP 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 (tăng 5,92%).

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).

Cũng theo Bộ KH&ĐT, số lượng DN đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng DN rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021, GDP 6 tháng cuối năm phải từ 6 - 7%, và phải nỗ lực rất lớn trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp.

“Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 được xác định là đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại...” - Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Đồng thời tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Đặc biệt, các bộ ngành cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng do Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp” - Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng nhận định, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể đạt mức từ 6,5-7%. Báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 7,2%; tăng trưởng GFDP cả năm ở mức 6,5%.

Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Cầu tín dụng thế giới tăng sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo các tháng cuối năm, tăng trưởng GDP nông nghiệp cũng ở mức tăng trên 3%. “Điểm lạc quan là khoảng 86% DN công nghiệp, chế tạo có hợp đồng và tin sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn, chỉ 14% có thể còn gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm hợp đồng, khách hàng và sản xuất, kinh doanh”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phân tích.

Để duy trì tiến độ phục hồi bền vững, điểm mấu chốt là phải nhanh chóng khống chế được dịch bệnh và tăng tốc chương trình tiêm chủng tại Việt Nam. Dù Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine, với khoảng 1 triệu người đã được tiêm chủng, phần lớn là các nhân viên y tế tuyến đầu. Chúng tôi cho rằng, việc triển khai tiêm chủng mở rộng là điều kiện quan trọng để mở của trở lại du lịch và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế bền vững. Chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered - ông Tim Leelahaphan
Điều quan trọng là Việt Nam vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các DN vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu. Giám đốc ADB Việt Nam - ông Andrew Jeffries

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần