Tăng trưởng dựa trên tầm nhìn tổng thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 15 năm với vai trò là Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) chuyên kinh doanh lĩnh vực xây dựng, thương mại, xuất nhập khẩu…, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng, việc kinh doanh đang mở ra rất nhiều thách thức và cơ hội, nhất là đối với nữ DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Tăng trưởng dựa trên tầm nhìn tổng thể - Ảnh 1Theo bà Tiên, điểm chính trong kế hoạch hành động và quá trình phát triển quy mô IPP lớn mạnh để hội nhập luôn là rất thận trọng và cân nhắc. Để làm được điều này, lúc nào DN cũng tự đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi trước khi hoạch định chiến lược bước vào giai đoạn phát triển lớn mạnh tiếp theo. Bà Tiên cho rằng, để tăng tốc, bắt kịp nền kinh tế các nước trong khu vực, Việt Nam đã quyết tâm đẩy mạnh và nhanh quan hệ kinh tế đối ngoại, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đây được coi là những cơ hội lớn song cũng chứa nhiều thách thức, đầy cam go cho giới DN, trong đó IPP không nằm ngoài quỹ đạo này.

Bà định vị bản thân DN mình trong ngành thế nào và đánh giá cơ hội mở rộng ra sao?

- Trước hết, IPP phân tích tăng trưởng ngành kinh doanh chủ chốt của Công ty so sánh với chỉ số kinh doanh ngành tại Việt Nam và khu vực, tạo ra vị trí nhất định của Công ty mình trong ngành. Bên cạnh đó, xác định rõ mở rộng kinh doanh ngành chủ chốt hay lấn sân sang các ngành có cơ hội phát triển, không đầu tư hoạt động dàn trải, chạy theo xu hướng “thị trường” trong khi nội lực chưa vững.

Để giữ thị phần, bắt buộc chúng tôi phải phát triển, nếu chưa đủ nội lực bắt buộc phải củng cố, tìm cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, thực tế không chỉ riêng IPP mà đa số các DN muốn phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.

Để theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô, bài toán vốn được giải quyết như thế nào, thưa bà?

- Vốn luôn là bài toán phức tạp của tất cả các DN, nhất là DN nhỏ và vừa khi muốn mở rộng, vì vậy DN rất cần các hỗ trợ tích cực từ các thể chế của Chính phủ và hệ thống ngân hàng, bản thân DN luôn phải đánh giá lại liệu mình có đủ vốn để thực hiện những bước nhảy vọt hay không. Chính vì thế, IPP lớn mạnh được như ngày hôm nay luôn phải chứng minh được tính khả thi của các dự án bằng các nghiên cứu bài bản, đi sát với thực tế, số liệu trung thực, phương thức quản lý khoa học hiệu quả, minh bạch, có phòng ngừa rủi ro.

Chúng tôi luôn thực thi theo giá trị là “tiêu tiền để kiếm tiền”, có nghĩa là phải cân đối việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phần cứng, phần mềm, quy trình để “thích ứng” từng giai đoạn, đồng thời phải tạo tạo ra doanh số và lợi nhuận tương ứng để tối ưu hóa nguồn vốn trong chiến lược phát triển của mình.

IPP đã giải quyết vấn đề này ra sao, thưa bà?

- Phải thấu hiểu được mỗi phần nhỏ của chiến lược phát triển. Chọn thời gian bắt đầu và kết thúc một dự án quá ngắn sẽ tạo áp lực với toàn thể nhân viên và kết quả không tốt, còn vạch kế hoạch kéo dài bất hợp lý sẽ gây lãng phí, tăng rủi ro và mất cơ hội đầu tư kinh doanh các dự án khác. IPP đã từng vội vã để đạt được mục tiêu và cũng đã kịp thời điều chỉnh khi thị trường chưa sẵn sàng, vì IPP luôn chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những khó khăn vĩ mô nằm ngoài tầm kiểm soát.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên cùng các vị khách mời danh dự cắt băng khánh thành cửa hàng thời trang Paul & Shark tại Tràng Tiền Plaza.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên cùng các vị khách mời danh dự cắt băng khánh thành cửa hàng thời trang Paul & Shark tại Tràng Tiền Plaza.
Do đó, đưa ra chiến lược tăng trưởng phải dựa trên sự liên kết tầm nhìn tổng thể của Công ty và của toàn khu vực. IPP luôn ủng hộ và thuyết phục các thương hiệu quốc tế khi kinh doanh tại Việt Nam, chọn sử dụng nhà cung cấp nội địa trong mọi lĩnh vực, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp tiếp cận và làm việc với kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, kết nối và các DN nội địa với chuỗi cung ứng thế giới luôn là mối quan tâm và nhiệm vụ của IPP.

Đặc biệt, IPP xác định kinh doanh minh bạch để giữ uy tín và tạo thương hiệu, nhất là khi hội nhập sẽ hưởng lợi khi thuế giảm. Đồng thời, luôn đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để kịp thời điều chỉnh việc kinh doanh phù hợp với thực tế để phát triển.

Xin cảm ơn bà!
Chúng ta có thể cung cấp cùng một chất lượng dịch vụ sau khi đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Thực tế, chất lượng dịch vụ thường giảm xuống khi công ty bắt đầu mở rộng quá nhanh, sẽ tác động tới những khách hàng trung thành và uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, 15 năm trước, IPP chỉ có 10 thương hiệu, 10 cửa hàng bán lẻ và khoảng 100 khách VIP, chất lượng phục vụ của chúng tôi đã rất hoàn hảo. Và đến bây giờ, với quy mô 620 cửa hàng, 15.000 khách VIP thì việc đầu tư hệ thống chăm sóc khách hàng của chúng tôi đã được đặt ra từ nhiều năm trước để chất lượng phục vụ vẫn phải luôn hoàn hảo, ổn định và giữ uy tín.
Tổng Giám đốc điều hành IPP Lê Hồng Thủy Tiên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần