Tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu đặt ra: Sức kéo lùi từ nông nghiệp

Minh Trang - Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2016 ngày 28/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp, không đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra.

Báo cáo tóm tắt của Tổng cục Thống kê cho hay: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra ở miền Trung gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất ở khu vực này. Đây cũng là lĩnh vực kéo tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong khu vực này, lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 6,11% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp được 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành nông nghiệp với quy mô trong khu vực lớn nhất (khoảng 75%) chỉ tăng thấp ở mức 0,72%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 2,8%,  đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Cùng với lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, ngành khai khoáng năm 2016 cũng ghi nhận mức giảm tới 4%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác được giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ được 39,6 triệu tấn, giảm hơn 1,26 triệu tấn.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,9%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10%.
Khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm. Một số ngành như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng trước; tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước, bình quân năm 2016 so với năm 2015 tăng 2,66%. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,87% so với tháng 12/2015, bình quân cả năm 2016 tăng 1,83% so với năm trước. Như vậy, cả GDP và CPI năm 2016 đều thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho năm 2016 là 6,7% và 5%.
“Nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, đạt được mức tăng trưởng như trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời hiệu quả của các biện pháp, giải pháp mà Chính phủ ban hành” - ông Lâm nhấn mạnh.
 Lạm phát đã được kiểm soát
Bên lề buổi họp báo,  chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm chia sẻ về tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 đã không còn cao “ngất ngưởng”. Điều đó chứng tỏ tư duy “không chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP”, để rồi tăng trưởng GDP không đạt được mục tiêu, mà lạm phát cũng thường cao hơn mục tiêu cùng những bất ổn vĩ mô khác.
CPI năm 2016 tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước cho thấy việc điều hành giá cả thị trường đã không bị rơi vào tình trạng “từ cực đoan này sang cực đoan khác”. Bên cạnh đó, mặc dù CPI năm 2016 đã không đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra (là 5%) nhưng tăng trưởng GDP đã cao lên qua các quý và tính chung cả năm 2016 đã cao hơn tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2011 - 2015 (6,21% so với 5,91%/năm) đã chứng tỏ tư duy điều hành về giá cả đã chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát”. CPI tăng cao hơn năm trước, nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn đạt thực dương sau nhiều tháng, nên tốc độ tăng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn khá cao, có tác động hút tiền từ thị trường trở lại các ngân hàng thương mại. CPI bình quân năm tăng cao hơn lạm phát cơ bản (2,66% so với 1,83%) cũng chứng tỏ yếu tố tiền tệ tác động đến CPI không nhiều; mà có một phần quan trọng là do giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... năm trước chưa được thực hiện, mà năm nay thực hiện ở nhiều địa phương hơn...