Tăng trưởng kinh tế gấp 2,53 lần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thực tế phát triển trong 6 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương...

Kinhtedothi - "Thực tế phát triển trong 6 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô", đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo số 505 của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan vừa được gửi tới ĐB Quốc hội.

Thu nhập tính theo GRDP tăng 2,25 lần

Theo nhận định trong báo cáo của Chính phủ, sau 6 năm mở rộng địa giới, kinh tế của Hà Nội luôn giữ mức tăng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2013 đạt 451.213 tỷ đồng, gấp 2,53 lần so với năm 2008. Thu nhập tính theo GRDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 63,3 triệu đồng/người, gấp 2,25 lần so năm 2008 (28,1 triệu đồng/người). Trong 9 tháng đầu năm 2014, GRDP tăng 7,9%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu kinh tế cũng được đánh giá chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Nếu cơ cấu năm 2008 là dịch vụ 52,3%; công nghiệp - xây dựng 41,2%; nông nghiệp 6,5%, thì năm 2013 cơ cấu các ngành tương ứng là: 53,4%; 41,7% và 4,95.

Trong huy động vốn đầu tư xã hội, Chính phủ cũng nhận định, đã có sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư đúng hướng, tỷ trọng đầu tư từ vốn Nhà nước giảm dần và từ khu vực tư nhân tăng dần. Báo cáo đưa ra những con số cụ thể như năm 2013, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 279.201 tỷ đồng, gấp 2,24 lần so với năm 2008. 9 tháng năm 2014, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 208.290 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. TP cũng đã phát hành thành công 2.220 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô để kịp thời bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm.

 
Tăng trưởng kinh tế gấp 2,53 lần - Ảnh 1
Một góc thủ đô Hà Nội sau 6 năm mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Báo cáo phân tích và nhận định vai trò vị trí kinh tế của TP ngày càng lớn. So với cả nước, năm 2012 với dân số chiếm 7,84% nhưng Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Nếu tính cả giai đoạn 2008 - 2014, báo cáo cũng cho biết thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP là 767.952 tỷ đồng, bình quân tăng hàng năm 15%. Chi ngân sách TP trong 6 năm là 282.508 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 14,9%.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm được đánh giá là thực hiện quyết liệt. Nhiều tuyến đường liên xã kết nối giao thông đã hoàn thành. Trong giai đoạn 2009 - 2013, TP đã đầu tư 3.186 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, 6 năm qua đã có 105 trường học được xây mới, hàng chục ngàn phòng học được nâng cấp… Báo cáo cũng cho thấy, trong 6 năm, TP đã đầu tư 19.286 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên 24,324 triệu đồng/người/năm (năm 2013).

Hoàn thành cải tạo hệ thống giao thông nội đô vào năm 2015

Từ thực tế phát triển trong 6 năm qua, Chính phủ đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Diện mạo đô thị và nông thôn đều có nhiều thay đổi và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, kinh tế Hà Nội vẫn còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Đầu tư lĩnh vực đô thị, nhà ở phát triển nóng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, thị trường bất động sản đóng băng. Tình trạng quản lý trật tự giao thông, vệ sinh môi trường còn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra (TP đã phê duyệt được 823 báo cáo đánh giá tác động môi trường và 360 Đề án bảo vệ môi trường). Một hạn chế khác cũng được Chính phủ nhìn nhận là lĩnh vực văn hóa - xã hội còn bất cập, "kết quả xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn".

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp bền vững; phấn đấu 2/3 số xã đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Mức tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt khoảng 11,5 - 12%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 7.100 - 7.500 USD/năm, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước. Hà Nội cũng sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Trong đó, tập trung đầu tư để cơ bản hoàn thành việc cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô vào năm 2015. Đồng thời, xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và ATGT, trật tự công cộng, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường…